2018: Tập trung nâng cao chất lượng thông tin báo chí

 (VOH)-Sáng 26/12, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017,triển khai nhiệm vụ năm 2018

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

 Ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

“Năm 2017, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế-xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân", đó là ưu điểm nổi bật của công tác báo chí năm 2017 được nêu ra tại hội nghị.

Bên cạnh đó, báo chí đã tuyên truyền đậm nét các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, thông tin phản ánh toàn diện kịp thời các sự kiện sinh hoạt chính trị quan trọng, các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước. Báo chí cũng thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới. Đồng thời, báo chí cũng đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, vấn đề dân sinh.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử và các phương tiện truyền thông trên mạng internet, số lượng phát hành và quảng cáo của báo chí in giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ quan báo in. Tính đến nay, cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, 664 tạp chí, 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh. Tính đến tháng 11 năm 2017, cả nước có khoảng hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhìn nhận sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam được nâng cao, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, kịp thời và có tính thuyết phục. Công tác giao ban hằng tuần có những đổi mới tích cực, theo hướng thiết thực, hiệu quả, tăng tính tương tác giữa các cơ quan chỉ đạo quản lý với các cơ quan báo chí, từ đó từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chỉ đạo và quản lý thông tin. 

Cùng với những ưu điểm, trong hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế, trong đó báo cáo đã chỉ ra 10 vấn đề chủ yếu là: một số cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã quy định trong giấy phép; thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước; đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái xã hội; vi phạm về quảng cáo, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục gia tăng và xảy ra chủ yếu đối với báo điện tử và báo hình.

Năm 2017, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đã xử lý 55 trường hợp với tổng số tiền gần 1 tỷ 300 triệu đồng, thu hồi thẻ nhà báo với 12 trường hợp sai phạm và bị xử lý kỷ luật.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị.

Một vấn đề đặt ra và nhiều người quan tâm hiện nay là việc quản lý các cơ quan báo chí đại diện và phóng viên thường trú. Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết tại TPHCM có 142 văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại TP, trong những năm qua đã kịp thời đưa thông tin kịp thời chính xác phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và TPHCM nói riêng. TPHCM cũng gặp không ít khó khăn trong quản lý các cơ quan, văn phòng báo chí đại diện tại TP. 

Do vậy, ông Võ Văn Long đề xuất Cục báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP, tăng cường thường xuyên kiểm tra, thanh tra các văn phòng đại diện. Mặt khác, ông Long cũng đề xuất lãnh đạo Bộ nghiên cứu giao cho thanh tra Bộ xem xét các quy định hiện hành để ủy nhiệm cho các Sở Thông tin Truyền thông tin tỉnh, TP được phép xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra trên địa bàn,

Chia sẻ ý kiến tham luận về “tin giả” và trách nhiệm xã hội của báo chí, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam cho rằng đây là cuộc chiến của cơ quan báo chí trong thời đại công nghệ số và cho rằng, chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay.

Ông Minh đặt vấn đề làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là một câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn và bản thân các nhà báo. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí, nó còn quan trọng với sự ổn định của xã hội.

Với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, nhiệm vụ giải pháp đặt ra đối với hoạt động báo chí năm 2018 tập trung là đẩy mạnh công tác truyền truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng, tạo ý chí thống nhất, đồng thuận trong xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phát huy vai trò đi đầu của báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống các xu hướng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, đề cao tính tư tưởng, hấp dẫn và mở rộng đối tượng độc giả, khán thính giả.

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: cần tăng cường, hiệu lực, hiệu quản lý nhà nước về báo chí và thông tin điện tử, tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý báo chí, nâng cao trình độ bản lĩnh chính trị cho đội ngũ nhà báo. Ông Thưởng cho rằng chất lượng thông tin tốt luôn luôn mang đến nhận thức tốt cho người đọc, cho người xem, vì vậy để cho xã hội, các đối tượng, những người công chúng báo chí có nhận thức tốt thì yêu cầu đòi hỏi đối với người làm báo thì phải có chất lượng thông tin báo chí thật tốt. “Năm 2018, các đồng chí tập trung thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện tôn chỉ mục đích, giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, phát hiện kiên quyết xử lý nghiêm khắc xu hướng “báo hóa” của các tạp chí điện tử", ông Võ Văn Thưởng lưu ý. 

Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao bằng khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tham mưu về công tác báo chí năm 2017.