400 hộ dân "bó tay" trước khuất tất tại công trình nước sạch ?

(VOH) - Những khuất tất tại tổ hợp nước sinh hoạt gây bức xúc cho người dân tại xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang - một xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Góp tiền nhưng nước lúc có lúc không

Tổ hợp nước sinh hoạt nông thôn tại xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hình thành từ năm 1998 do bà con trong xã góp tiền để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình. Chính quyền địa phương chấp thuận cho người dân tự đóng tiền thành lập tổ hợp nước sinh hoạt nông thôn, tự quản lý theo hình thức hợp tác xã.

Theo thỏa thuận ban đầu (giai đoạn 1), mỗi hộ đóng góp gần 1 triệu đồng tùy theo khu vực gần hay xa bồn nước với tổng cộng 98 hộ. Thời điểm tiếp theo (giai đoạn 2) số hộ tăng thêm 137 hộ và đến thời điểm tháng 8/2014, tổng số xã viên trong tổ hợp nước là 400 hộ. Ban quản lý giai đoạn này được bà con xã viên bầu là ông Lê Văn Quý tổ trưởng, ông Trần Văn Tám kế toán, ông Lê Văn Biệp thủ quỹ. 

Theo giá ban đầu, xã viên đóng hàng tháng từ lúc thành lập tổ hợp là 3.500 đồng/ m3/tháng và ban quản lý tự cân đối tài chính để xây bồn, mua máy bơm, sửa chữa bảo trì đường ống… Tuy nhiên sang giai đoạn 2, ban quản lý đề nghị tăng giá thu tiền nước lên mức 4.700 đồng/khối/tháng vì thu không đủ bù chi.

Hơn 400 xã viên ngỡ ngàng với quyết định này và cho rằng số tiền mà bà con xã viên đóng góp hàng tháng chắc chắn sẽ dư vì ngoài việc dựng 1 bồn chứa nước, trang bị đường ống, một máy bơm hỏa tiễn (theo cam kết ban đầu của ban quản lý là 2 máy) thì hơn 10 năm qua, các hộ dân chưa thấy ban quản lý mua sắm thêm và cũng không thấy duy tu bảo dưỡng các thiết bị cần thiết trong khi đó, thực tế là chất lượng nước ngày càng đi xuống, lúc có lúc không.

Ông Nguyễn Hồng Cẩm, đội 6 xã Trung Hòa nói: "Hồi mới vô nước sử dụng giá là 500 đồng/m3/tháng, từ từ lên 3.500 đồng nhưng lúc đó nước không đủ sử dụng, lúc có, lúc không mà ban quản lý cũ còn đề nghị lên 4.700 đồng nhưng dân không chịu. Sau này thay đổi ban quản lý, thêm 1 giếng mới, có nước sạch đủ nhưng giữ nguyên giá".

Đài nước 1 và nơi đặt máy bơm 1 do ban quản lý tổ hợp nước cũ lắp đặt năm 1998 không chăm sóc, hoang hóa cỏ cây. Đây là hệ thống duy nhất cung cấp nước sạch cho 400 hộ dân hơn 10 năm qua

Ông Nguyễn Văn Vân Nam, nhà cách trạm nước sinh hoạt gần 1km cho rằng, mình đóng tiền đầy đủ từ trước tới nay song chưa bao giờ thấy ban quản lý thực hiện duy tu bảo dưỡng đường ống, trong khi nước thì lúc có lúc không: "Ban quản lý cũ đòi tăng giá lên 4.700 đồng/m

các hộ dân không thống nhất, tui cũng không thống nhất. Từ ngày đổi ban quản lý mới, tôi thấy có sửa chữa đường ống và lên thêm bồn nước nên áp lực nước mạnh, đủ để dân sử dụng mà giá không thay đổi, vẫn 3.500 đồng. Trước đó, những hộ ở xa thì không có nước mà cho dù có thì không sử dụng được vì hôi bùn".

Lúng túng và khuất tất trong giải trình

Năm 2014, bà con xã viên đã đề nghị ban quản lý tổ chức họp, làm rõ lý do tăng giá nước và bầu lại ban quản lý mới. Khi yêu cầu Ban quản lý báo cáo thu chi trong hơn 10 năm tại sao năm nào cũng báo lỗ, đại diện cho ban quản lý là ông Lê Văn Quý - tổ trưởng - cũng là người thu tiền nước hàng tháng, lúng túng không giải trình được, kể cả việc tiền mua máy bơm mà ban quản lý không thực hiện (chỉ mua 1 cái, cái còn lại trên thực tế không có).

Sau đó, Ban quản lý tổ hợp nước đổ trách nhiệm cho kế toán là ông Trần Văn Tám (đã chết) làm mất các chứng từ mua sắm, duy tu và bảo dưỡng tổ hợp nước.

Tuy nhiên, theo hồ sơ mà người dân cung cấp thì giai đoạn ông Tám làm kế toán, trước khi bệnh ông có bàn giao sổ sách, chứng từ đầy đủ vào năm 1999 (sau hơn 1 năm) và số dư tại thời điểm đó còn hơn 10 triệu đồng. Kế toán thay thế là ông Lê Văn Minh làm cho tới tháng 8/2014 và trong giai đoạn này, năm nào ban quản lý cũng báo số thu không đủ bù chi do đó đề nghị tăng giá nước từ 3.500 đồng/m3/tháng lên 4.700 đồng/m3/tháng.

Các hộ dân ước tính số tiền mà ban quản lý tổ hợp nước làm thất thoát trong những năm qua lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đài nước 2, máy bơm 2 do ban quản lý mới lắp đặt tháng 11/2016 

2 năm 8 tháng mà chưa giải quyết

Quyết tâm làm rõ vấn đề, các hộ dân gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc nhưng thời gian giải quyết rất chậm. Ông Nguyễn Văn Đực bức xúc: "Khiếu nại tại văn phòng UBND huyện. Huyện mời tôi lên bảo rút đơn để chuyển qua công an điều tra. Sau đó, công an mời tôi lên để đại diện cho các hộ dân nhưng không thông báo kết quả mà tiếp tục mời lên huyện để xem xét điều tra lại".

Theo các hộ dân ở xã Trung Hòa, vụ việc trên có thể đã khép lại nếu không có sự cương quyết và các bằng chứng cụ thể được cung cấp từ ban quản lý mới.

Khi có đơn tố cáo, chính quyền địa phương đã cử đoàn giám sát về tìm hiểu nguyên nhân vụ việc song sự việc trên vẫn kéo dài mà chưa kết luận cụ thể. Hiện tại vụ việc được chính quyền địa phương xã Trung Hòa, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo tiếp nhận và hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình và đang chờ kết luận điều tra của công an huyện.