Bệnh tật tăng từ mối nguy thực phẩm bẩn

(VOH) - Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, trong số các nguyên nhân dẫn đến ung thư gia tăng không loại trừ yếu tố đáng lo ngại là thực phẩm bẩn…Việc sử dụng thực phẩm bẩn hằng ngày mà người tiêu dùng không hề hay biết chính là hiểm họa dẫn đến nguy cơ bệnh tật, tổn hại sức khỏe về sau.

Liên quan vấn đề này, VOH đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Văn Nhân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM.

 
Khách hàng chọn mua rau tại một cửa hàng rau sạch tại TP.HCM (Ảnh: Lan Hương)

                                                           
                                   

 


* Ở vai trò PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP, ông có nhận xét gì khi những năm gần đây, bệnh lý ung thư tăng đột biến mà theo các chuyên gia nhận định trong đó nguyên nhân bắt nguồn từ việc tiêu dùng thực phẩm bẩn?

Ăn uống là nhu cầu cơ bản của con người, ăn uống, tiêu thụ thực phẩm giúp chúng ta duy trì cuộc sống hằng ngày, duy trì sự chuyển hóa cơ bản cũng như sự phát triển cơ thể. Những thực phẩm an toàn khi vào cơ thể sẽ hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên vì yếu tố nào đó chúng ta ăn vào thực phẩm không an toàn thì có thể cơ thể chúng ta sẽ gặp nguy hiểm.

Nếu trong trường hợp thứ nhất, thực phẩm nhiễm trùng (tức nhiễm vi sinh, nấm, kí sinh trùng…) thì nó gây ra ngộ độc cấp tính với các triệu chứng về đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng hay triệu chứng về thần kinh như mệt mỏi, lơ mơ, tụt huyết áp.

Trong trường hợp thứ hai nếu thực phẩm nhiễm các yếu tố lý học như thuốc trừ sâu, tia phóng xạ, hay các yếu tố hóa học, những hóa chất phụ gia, thậm chí là nhiễm những chất gọi là kim loại nặng, nếu cơ thế không lọc được nó sẽ tích tụ gây ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể và phát sinh nhiều bệnh lý trong đó có ung thư.

* Việc tích tụ độc tính lâu ngày có là nguy cơ hay mầm mống để phát sinh bệnh, nhất là bệnh ung thư hay không thưa ông?

Tất nhiên rồi. Có thể nói cơ thể chúng ta là nhà máy chuyển hóa rất tinh vi. Khi ăn thực phẩm vào nếu những gì có lợi thì chúng ta sẽ sử dụng và tạo ra năng lượng cũng như sự phát triển cơ thể. Còn lại những gì mà cơ thể thấy có hại, nó sẽ đào thải ra ngoài qua đường như hơi thở, mồ hôi, nước tiểu…

Tuy nhiên, không phải cái gì cơ thể cũng chuyển hóa được đặc biệt là kim loại nặng như thủy ngân, chì. Những chất này có thể sẽ gây ngộ độc mãn tính và lúc đó cơ thể buộc phải được điều trị. Tốt nhất chúng ta đừng để nhiễm những chất đó vào người.

* Việc tiêu dùng thực phẩm bẩn, kém chất lượng, nhiễm hóa chất độc hại hay sử dụng hóa chất phụ gia vượt mức cho phép khi vào cơ thể sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính… Trong các trường hợp như vậy thì bằng cách nào giúp người tiêu dùng có thể tự cứu mình?

Thực tế đây là sự phối hợp của toàn xã hội, thứ nhất là sự chấn chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề thực phẩm. Tức là sự phối hợp của cả 3 bộ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng ta tạo ra những chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Thứ hai là những người tham gia vào sản xuất, những nông trại, nông trang chuyên nuôi trồng, sản xuất nguyên liệu thực phẩm, những nơi thu hoạch và chế biến cũng phải đảm bảo quy trình sản xuất của mình đạt các tiêu chuẩn như ISO, HACCP và các tiêu chuẩn khác…, đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có nghĩa bao gồm người dân, các cơ quan truyền thông cùng nhau giám sát tạo nên tiếng nói để bảo vệ chính bản thân mình cũng như toàn xã hội. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm cũng phải biết lựa chọn, chọn thực phẩm có nhãn hiệu, coi hạn sử dụng, coi thành phần…Lựa chọn thực phẩm của những nhà sản xuất uy tín và trong quá trình chế biến, nếu thấy có những gì bất an thì chúng ta phải phối hợp với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng, cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra những chất có hại và ngăn chặn nó từ ban đầu…

Xin cảm ơn ông!