Cho thôi chức, bị cách chức khác gì từ chức, cho về hưu?

VOH - Gần đây, nhiều vụ tham nhũng cán bộ bị xử lý về mặt Đảng, chính quyền ở các mức độ khác nhau. Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM trả lời VOH.

*VOH: Trước tiên, xin Luật sư nói rõ hơn về các mức độ xử lý hiện nay với cán bộ, lãnh đạo vi phạm kỷ luật?

LS Nguyễn Thế Hùng: Theo các quy định hiện hành, có các mức độ xử lý kỷ luật:

- Từ chức: là việc cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, xuất phát từ ý chí của chính mình, đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

- Cách chức: là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý - theo ý chí của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền - không được cho tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do vi phạm pháp luật.

- Thôi chức: là việc một cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền chủ động quyết định cho cán bộ, công chức - vì một lý do khách quan nào đó - được thôi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý.

- Miễn nhiệm: là việc cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý bị cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền quyết định cho thôi giữ chức vụ do không hoàn thành nhiệm vụ hoặc do vi phạm pháp luật.

Các hình thức kỷ luật xử lý cán bộ lãnh đạo vi phạm
Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã có quyết định cách chức cán bộ là UVTU Đảng - Ảnh minh họa

*VOH: Việc cho thôi chức có đồng nghĩa với cách chức? Cho thôi chức về mặt Đảng có khác gì bên chính quyền? Người bị cho thôi chức, bị cách chức có khác gì với từ chức, cho về hưu?

LS Nguyễn Thế Hùng: Việc cho thôi chức và cách chức hoàn toàn khác nhau. Việc từ chức, cho thôi chức là tình huống có lý do khách quan, không phải là biện pháp kỷ luật. Trong khi đó cách chức là một biện pháp kỷ luật, thường đi kèm theo sự chế tài. Do khác nhau về hậu quả pháp lý nên cũng khác nhau về quyền và nghĩa vụ.

Về hưu là một tình huống pháp lý khác, được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm xã hội. Tất cả những ai là những người đã từng làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện về tuổi tác và thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

Theo Nghị định 85/2023 của Chính Phủ, khi viên chức quản lý nhà nước có đơn xin từ chức và được cấp có thẩm quyền đồng ý cho thôi giữ chức vụ thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ. Trong khi đó theo Quy định 41/QĐ-TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thì từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Căn cứ của việc xem xét để cho từ chức hoặc miễn nhiệm đều liên quan nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu. Cụ thể là cấp có thẩm quyền sẽ quyết định cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Như vậy việc từ chức, cho thôi chức đều được điều chỉnh tại hai văn bản quy phạm vừa nêu, đối với cả tổ chức Đảng lẫn tổ chức chính quyền các cấp.

*VOH: Gần đây có khái niệm cách chức trong một khoảng thời gian hay một nhiệm kỳ nào đó ở quá khứ mà họ đã về hưu, vậy họ có còn được hưởng những quyền lợi về hưu bình thường?

LS Nguyễn Thế Hùng: Theo khái niệm đã trình bày thì cách chức là việc cán bộ, công chức  lãnh đạo, quản lý - theo ý chí của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền – không được cho tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do vi phạm pháp luật. Do vậy, nếu không chịu các hình thức chế tài bổ sung thì họ không bị mất quyền lợi luật định như những người về hưu khác. Hình thức cách chức trong một nhiệm kỳ đã chấm dứt của cán bộ lãnh đạo gần đây xảy ra, theo tôi mang tính chất kỷ luật về mặt “tinh thần” nhiều hơn.

*VOH: Trông trường hợp bị cách chức như vậy, họ có được gọi là Cựu hay Nguyên cùng với chức vụ trước đó?

LS Nguyễn Thế Hùng: Tôi không thấy có quy định pháp luật về vấn đề này. Vì vậy, theo nguyên tắc “luật không cấm”, đối với những người từng bị cách chức, tùy từng tình huống, có thể gọi rằng họ là “nguyên” hay “cựu” trong chức vụ nào đó của họ ở quá khứ mà không có bất cập gì. Có thể đây chỉ thuần là vấn đề từ ngữ mà không phải là vấn đề pháp lý.

*VOH: Với người mang nhiều chức vụ trong Đảng, chính quyền, dân cử; khi bị cách chức bên Đảng nhưng chưa bị miễn nhiệm chức vụ dân cử thì qui trình này thực hiện như thế nào, thưa LS?

LS Nguyễn Thế Hùng: Chủ thể được đặt ra trong câu hỏi trên đây chịu sự điều chỉnh cùng lúc của nhiều quy phạm pháp luật và nhiều mối quan hệ. Đó là những quy định mang tính riêng biệt của tổ chức Đảng như điều lệ, các quy định và nghị quyết của Đảng, các văn bản mang tính quy phạm có hiệu lực điều chỉnh chung của Nhà nước như luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư…

Tùy từng tình huống, chủ thể vừa có chức vụ trong Đảng, vừa có chức vụ dân cử như đề cập trên đây mà có vi phạm sẽ nhận sự chế tài phù hợp với quy định của từng cơ quan, tổ chức mà chủ thể đó là thành viên. Khi tiến hành xử lý đối với chủ thể có trách nhiệm để xảy ra vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền đều dựa vào nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thể hiện tại Hiến pháp 2013 là đảm bảo giá trị pháp lý cao nhất của Hiến pháp.

*VOH: Xin cảm ơn LS.