Chống chuyển giá: Cần sự phối hợp đồng bộ

(VOH) - Bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng cần thu hẹp các ưu đãi thuế, hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá. Minh bạch, rõ ràng về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá là có sự chênh lệch thuế do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng cần thu hẹp các ưu đãi thuế, hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá. Minh bạch, rõ ràng về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI.  

Cần sự phối hợp đồng bộ trong công cuộc chống chuyển giá

Đại biểu thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Ảnh minh họa: enternews

Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, đoàn TPHCM, qua làm việc với một số DNNN và doanh nghiệp FDI trên địa bàn TPHCM cho thấy, trong luật quản lý thuế cần phải chặt chẽ hơn, vì không loại trừ sự lợi dụng và khai thác các kẽ hở để thực hiện chuyển giá, khai không đúng thuế. Hiện nay, câu chuyện chuyển giá này không chỉ ở Việt Nam mà nó đã phát triển và lộ diện ở một số nước.

Theo đại biểu, thời gian tới cần khắc phục những lỗ hổng trong các văn bản pháp luật để chống chuyển giá: “Giữa các luật có mối tương quan với nhau nhưng vẫn có những điều còn “giẫm đạp” lên nhau, điều này khiến cho không thoát ra được vấn đề. Có thể trong thuật ngữ nêu ra có những vấn đề còn chưa rõ ràng và có sự chồng lấn ở những luật liên quan khác. Đây chính và điểm mà trong quá trình xây dựng luật pháp thời gian tới phải được mổ xẻ và tổng rà soát khắc phục những điểm hở mà doanh nghiệp đã khai thác lợi dụng”.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, chặn chuyển giá phải hướng đến 2 thủ đoạn mà các nhà đầu tư thường sử dụng. Thứ nhất là kiểm soát thật chặt chẽ việc liên quan đến giá hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư, không chỉ có kiểm soát trong nước mà phải có sự liên thông quốc tế, thậm chí phải có được cả bản báo cáo tài chính của công ty mẹ để biết được thực tế chi phí như thế nào. Thứ hai, phải có quy định về vấn đề liên quan đến sử dụng vốn vay nội bộ.

“Nếu một doanh nghiệp vay vốn của một tổ chức tín dụng thì đương nhiên sẽ phải trả lãi cho khoản vay tín dụng đó, và được tính vào chi phí. Nhưng nếu lại vay vốn của chính các công ty mẹ, thì lúc đó không phải là vay vốn mà thực chất đó là cách thức mượn vay vốn để chuyển lợi nhuận. Trong những trường hợp này chúng ta phải khống chế phần vay vốn nội bộ được phép bao nhiêu phần trăm”, đại biểu Văn Cuờng nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM nhận định, rất khó kiểm soát được chuyển giá, mà chúng ta chỉ có thể hạn chế, bởi vì chuyển giá mang tính chất toàn cầu. Không chỉ chuyển giá trong các công ty nước ngoài mà còn có cả chuyển giá của chính các công ty trong nước, chuyển giá giữa các công ty con, các công ty có mối liên hệ chủ sở hữu với nhau.

“Để hạn chế thực trạng này thì phải minh bạch hóa thông tin, có dữ liệu và số liệu về thống kê, tổng hợp về các thương vụ giao dịch, mua bán, giá cả của các tài sản…Để có được dữ liệu toàn cầu về các doanh nghiệp thì chúng ta phải có sự hợp tác quốc tế một cách sâu rộng và chặt chẽ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.