Cử tri băn khoăn nợ công sát trần!

(VOH) - Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhiều cử tri băn khoăn vấn đề nợ công sát trần và Bộ Tài chính thì chưa có giải pháp triệt để.

Sáng 16/11, mở màn phiên chất vấn của Quốc hội là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xoay quanh các vấn đề nóng như nợ công, quản lý thuế, giải pháp đảm bảo nền tài chính an toàn cùng các vấn đề liên quan trong lĩnh vực tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Theo dõi suốt phiên chất vấn, nhiều cử tri TPHCM quan tâm đến nợ công, các giải pháp quản lý nợ công. Ông Nguyễn Văn Phúc, 70 tuổi, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh lo ngại hiện nay trước khoản nợ công quá lớn trung bình mỗi người đang gánh 30 triệu đồng nợ công nhưng đầu tư công lại ít thấy hiệu quả.

“Ở góc độ cử tri, tôi thấy rất lo vì mình cứ vay nhiều, nợ công nhiều như thế làm sao trả? Rồi nhiều dự án đầu tư từ vốn vay lại không thực hiện được ngay. Lãi suất cùng tiền vay vẫn đấy, trong khi dự án thì không làm được, không triển khai được, vướng cái nọ vướng cái kia. Có tiền không giải ngân được, cứ phải trả nợ - gây áp lực cho con cháu về sau", ông Phúc lo lắng.

Cử tri Nguyễn Hoàng Minh, ngụ phường Thảo Điền, Quận 2 băn khoăn khi Bộ trưởng trả lời nợ công tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Theo cử tri Minh: "Vấn đề nợ công, phải nói là chưa khi nào nóng như lúc này vì nợ công mỗi năm đều tăng, nhưng Bộ trưởng nói rằng “tuy có tăng như vẫn nằm trong giới hạn cho phép”. Điều mà cử tri chúng tôi quan tâm là phía Bộ Tài chính sẽ có những tham mưu, những giải pháp như thế nào để giảm nợ công chứ không phải là tăng trong ngưỡng cho phép. Nói chung tôi thấy phần trả lời của bộ trưởng là chưa thuyết phục và đi vào trọng tâm vấn đề”.

Có thể thấy rằng, nợ công của nước ta ngày càng tăng đang là nỗi lo của rất nhiều cử tri. Trong phiên chất vấn sáng nay, nhiều cử tri nhận thấy phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa thực sự thuyết phục đặc biệt trong các giải pháp đưa ra quản lý nợ công.

Cử tri Nguyễn Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong TP chia sẻ: “Doanh nghiệp và người dân mong muốn Bộ Tài chính nên đi thẳng vào vấn đề để người dân dễ hiểu, dễ nhận diện và thực thi dễ dàng. Ở đây người dân đang rất cần bộ trưởng đưa ra các giải pháp để thực hiện nhưng chờ hoài chẳng thấy đâu. Bộ Tài chính phải tham mưu cho Chính phủ, phải đề ra những giải pháp trong quản lí nợ công. Tôi nghĩ nếu có giải pháp đúng và lộ trình rõ ràng thì người dân sẽ ủng hộ chứ còn mông lung như thế này thì rất khó!”.

Cử tri thành phố cũng kiến nghị thêm cần nghiên cứu đưa nội dung giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao BOT vào chương trình thảo luận chính thức của Quốc hội.