Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ huyền thoại

(VOH) - Trong cuộc đời binh nghiệp lừng danh của vị tướng huyền thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn và giành chiến thắng vang dội, trong đó nổi bật nhất là trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng mãnh tấn công, quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17g30 ngày 7-5-1954, Tướng De Castrie và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống.
Năm 2004, tôi được cơ quan cử đến tỉnh Điện Biên để chuẩn bị cho đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng đã đi vào huyền thoại của lịch sử. Nhà nghiên cứu người Pháp Jules Roy đã thừa nhận: “Sự thất thủ ở Điện Biên Phủ đã gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đây là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của hệ thống các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện còn tiếp tục rền vang…”. Chiến thắng Điện Biên Phủ được ví như một chiến thắng Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong lịch sử dân tộc ta mà tên tuổi của nó gắn liền với vị chỉ huy tài ba xuất chúng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

Một mình vác ba lô, tôi đến lòng chảo Điện Biên để tận mắt ghi nhận hình ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ so với những gì mình hình dung theo những bài học trong sách vở từ những năm còn cắp sách đến trường.

Những ngọn đồi nhấp nhô bên thung lũng nằm ẩn trong màn sương sớm xen lẫn những mảng xanh cây rừng hiền hòa đó là bức tranh của một Điện biên Phủ ngày nay với nhiều di tích lịch sử ngay trong lòng thành phố. Thế nhưng, hơn nữa thập kỷ trước những trận đánh “long trời lỡ đất ” đã diễn ra nơi đây làm nên một chiến thắng “vang dội địa cầu”, đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Những trận đánh oai hùng đó nay còn trong những di tích được bảo tồn của tỉnh Điện Biên.



Ấn tượng nhất với tôi đó là những dấu tích của trận đánh trái bộc phá 960 kg điểm hỏa ở đồi A1 đã để lại một hố sâu lớn ví như một lòng chảo nhỏ trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Quanh đồi A1 hàng trăm mét giao thông hào các hầm chiến đấu còn ghi lại dấu tích của chiến công vang dội năm xưa. Ngọn đồi Him Lam, nơi chiến dịch bắt đầu với trận đánh mở màn vào chiều ngày 13/3/1954, hầm của tướng De Castries vẫn còn đó những hình ảnh chụp các tướng lĩnh chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bước ra đầu hàng. Các ngọn đồi C1, A , D, E2 cứ điểm đồi Độc lập, Bản Kéo…đều được ghi dấu những trận chiến ác liệt. Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, tiêu diệt 49 cứ điểm, bắn rơi và phá huỷ 57 máy bay, thu được rất nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. 

Đại tướng thăm hầm De Castries vào năm 1984. Nơi đây gần 60 năm trước, tướng De Castries chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ đã bị các chiến sĩ Điện Biên bắt sống, kết thúc chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp.  (ảnh tư liệu: vne)

Ngay ở trung tâm thành phố, đối diện với bảo tàng tỉnh là nghĩa trang lịệt sĩ. Tôi vẫn nhớ các hàng mộ thẳng tắp rất đẹp nhưng một điều làm nó khác hẳn các nghĩa trang khác trong nước đó là tất cả các ngôi mộ đều vô danh, ngoại trừ 4 ngôi mộ của các liệt sĩ mà từ thuở còn đi học các học sinh đều biết đó là các anh hùng: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can và Tô Vĩnh Diện….



Ngày đó, Tôi cũng được tháp tùng theo đoàn của chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm hang Thẩm Púa, nơi ngày xưa Đại tướng đã phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”. Ngay khi lệnh được ban ra chiến dịch được triển khai gấp rút và sau đó phương án lại được chuyển sang một quyết định đúng đắn đầy nhân bản đó là “đánh chắc thắng chắc” để giảm thiểu thương vong, giữ gìn xương máu cho bộ đội ta. Theo vị Trợ lý của Đại tướng để suy nghĩ cách đánh, Đại tướng đã thức trắng đêm 25/1/1954. Nếu không có quyết định sáng suốt, thay đổi cách đánh, từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc của Tổng tư lệnh chiến dịch thì hậu quả thật khôn lường và tổn thất là rất lớn lao.

Vượt qua những bậc thang để lên đến cửa hang, chân mỏi rả rời, thế mới biết ngày xưa bộ đội ta quyết chí đến chừng nào. Vượt đèo, trèo núi, lại còn kéo pháo, vác đạn để đưa pháo vào đúng vị trí điểm hỏa. Đó cũng là yếu tố làm quân thù bất ngờ góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Bộ đội ta ngày ấy cực khổ nhưng chiến đấu với môt tinh thần quyết chí, bền bỉ, dẻo dai. Lúc đó, có người trong đoàn còn đoán rằng, chính nhờ những năm tháng chiến đấu ở chiến trường rừng núi nầy mà Đại tướng có sức khỏe, dẻo dai, sống trường thọ…Thế nhưng, đến nay, thì Đại tướng đã ra đi về cõi vĩnh hằng để lại sự thương tiếc không nguôi cho người dân Việt Nam.



Gần nữa tháng, tôi đã ghé hầu hết các trận địa, cứ điểm di tích ở Điện Biên. Có đến thăm các di tích của trận chiến lẫy lừng nầy mới biết sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân, sức mạnh của chính nghĩa và tài năng quân sự xuất chúng của người tổng chỉ huy chiến dịch. Đã nán lại vài ngày, nhưng việc đã xong. Rời Điện biên Phủ mà trong lòng còn luyến tiếc khi được biết ngày mai là ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm lại Điện Biên. Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của ông trở về chiến trường xưa. Không gặp được Đại tướng tại nơi mà chiến thắng đã gắn liền với tên tuổi của ông thật là đáng tiếc. Hơn 20 năm theo đuổi với nghề, Đại tướng là nhân vật mà tôi mong ước được gặp nhất. Gặp ông không chỉ để làm một cuộc phỏng vấn nghề nghiệp mà còn là để ngắm nhìn bác, nắm tận tay bác, một vị tướng lẫy lừng năm châu bốn bể , vị tướng mà thế giới so sánh tài năng còn hơn cả Napoleon. Gặp được Đại tướng để hình dung về một con người bình dị mà có một nhân cách lớn, hết lòng lo cho dân, cho nước cả trong chiến tranh lẫn thời bình, người suốt đời có sự đồng cảm với những bức xúc của nhân dân, lo lắng với những vấn đề sống còn của đất nước...


Những ngày này, cánh rừng Mường Phăng trong cơn gió chiều như âm u buồn bã tiễn đưa người ra đi. Nơi đây, từng đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ có hầm chỉ huy của Đại tướng, nhiều cựu chiến binh và bà con các dân tộc trong tỉnh Điện Biên đã đến thăm. Nhìn những kỷ vật của Đại tướng để lại làm cho nhiều người như thấy Đại tướng vẫn còn đó đang sống, làm việc, chỉ huy trên chiến trường Điện Biên Phủ năm nào. Những tình cảm đó, hình ảnh đó được loan tải càng làm cho nhiều người đau như xé lòng, như không tin được Đại tướng đã ra đi mãi mãi.

Đã có 3 nơi tại tỉnh Điện Biên lập bàn thờ Đại tướng để mọi người đến viếng và Tượng đài Đại tướng ở Mường Phăng đã có rất đông đồng bào các dân tộc của núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc rơi nước mắt khi đến tưởng niệm Vị Đại tướng huyền thoại. Nơi đây, tỉnh Điện Biên nơi được ví như là quê hương thứ 2 của Đại tướng. Xin Đại tướng yên nghỉ, người dân Điện Biên luôn gọi tên Người.