Đem lại niềm vui cho những mảnh đời khó khăn

(VOH) - Trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn không ít những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Để giúp họ có nghị lực vươn lên, nhiều tấm lòng hảo tâm đã nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ vượt qua gian khó. Cũng xuất phát từ tấm lòng “thương người như thể thương thân” ấy mà cô Phạm Thị Kiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Hóc Môn đã hết lòng chăm lo cho những người nghèo, bất hạnh trong xã hội.

Tặng quà học sinh khuyết tật, mồ côi tại huyện Hóc Môn (ảnh: hocmon)

Khá bận rộn với công việc nhưng cô Phạm Thị Kiều vẫn sẵn sàng, niềm nở đón tiếp chúng tôi. Ấn tượng ban đầu về cô đó là trông cô trẻ hơn nhiều so với tuổi 67 của mình. Ở tuổi này, lẽ ra cô có thể dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân hay đi du lịch đây đó. Thế nhưng, dường như công việc ở Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện đã gắn liền với cuộc sống của cô. Với tấm lòng nhân ái, tràn đầy tình nghĩa, cô rất quan tâm đến những người nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. Cơ duyên giúp cô đến với Hội bảo trợ không phải ngẫu nhiên, tình cờ mà chính bởi các hoạt động từ thiện mà cô làm trước đó, đã tạo sự tin tưởng cho mọi người. Do đó, cô được chính quyền vận động tham gia Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Hóc Môn ngay từ những ngày đầu thành lập. Từ đó đến nay đã bước qua năm thứ 7, thì cũng chừng ấy thời gian cô xông xáo, tận tụy vì hoạt động của Hội, chăm lo, chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh bất hạnh, giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi về vật chất lẫn tinh thần. Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực của Hội, cô Kiều đã vận động các mạnh thường quân để chăm lo cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, như tặng quà, tặng xe lăn, hỗ trợ nhiều suất học bổng,…Các phần quà tuy không có giá trị lớn nhưng là những tấm lòng, những lời động viên giúp họ vượt qua những mặc cảm, khó khăn của cuộc sống. Nói về sự đóng góp của cô Kiều đối với Hội, chị Đặng Thị Mai, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện cho biết:




Hằng năm, cứ đến các ngày lễ Tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6,…thì cô Kiều lại tất bật với công việc tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, và người già neo đơn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Hội còn tổ chức cho các em khuyết tật và trẻ mồ côi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, giúp các em có được niềm vui trong cuộc sống. Trong những năm qua, cô Kiều còn tích cực vận động các mạnh thường quân xây dựng gần 10 căn nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Như vận động nhóm từ thiện Thiện Tâm xây dựng mái ấm tình thương cho hộ bà Dương Thị Lợi ở xã Tân Thới Nhì. Hay gần đây nhất là cô đã giới thiệu cho Đài Truyền hình TP.HCM xây tặng một Ngôi nhà mơ ước cho chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ở ấp Dân Thắng 2 trên địa bàn xã. Nhờ quan tâm sâu sát nên cô hiểu rõ hoàn cảnh chị Tuyền rất khó khăn, chồng mất, một mình chị phải gánh vác cả gia đình, chăm sóc 2 người con. Thấy chị không có công việc ổn định, cô đã tận tình giúp đỡ, giới thiệu để chị nhận hàng may gia công tại nhà. Cộng với tiền lương của người con trai, gia đình chị có thể trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chị Tuyền chia sẻ:



Ngoài công việc ở Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện, cô Kiều còn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, đóng góp các quỹ chăm lo cho người nghèo, người cao tuổi, giúp đỡ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, hỗ trợ gia đình liệt sĩ neo đơn,…Ngay từ những năm 1990, Hội Phụ nữ xã Tân Thới Nhì phát động học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, cô đã tích cực hỗ trợ để những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Khi còn hoạt động trong Ban bảo trợ Hội Chữ thập đỏ thì cô tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo. Không chỉ vậy, cô còn phối hợp với nhóm từ thiện xây dựng nhà tình thương, xây cầu ở xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Do đó, những việc làm của cô được nhiều người đánh giá cao, như chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UB MTTQVN xã Tân Thới Nhì nhận xét:


Để có thể tham gia các hoạt động từ thiện, một phần là do cuộc sống gia đình cô hiện nay khá ổn định, con cái đều đã trưởng thành. Trước đây, gia đình cô chủ yếu làm đường kết tinh, kết hợp với trồng lúa để có thêm thu nhập. Tuy đã nghỉ làm khoảng 10 năm nay, nhưng nhờ có khoản tiền tiết kiệm nên cô có thể chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, cũng như đóng góp cho các hoạt động của địa phương. Nhưng quan trọng nhất là cô đã sẵn sàng giúp đỡ mọi người bằng tấm lòng nhân ái, chân thành của mình. Làm gì cũng phải xuất phát từ cái tâm, như lời cô tâm sự với chúng tôi:


Đây cũng là lý do cô Kiều muốn gắn bó lâu dài với công việc này. Giúp đỡ người nghèo khó, bất hạnh đem lại niềm vui cho họ, cũng là đem lại niềm vui cho chính mình. Với những việc làm cụ thể, thiết thực, giàu tính nhân văn, cô đã cùng địa phương chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, tạo động lực giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống.