Điệp vụ CM12 - Vị ngọt tình quân, dân

(VOH) - Kế hoạch CM12 được đánh giá là một trong những trận đánh tốt nhất, hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng Công an nhân dân sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Đó là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn của quần chúng nhân dân.

Tượng đài chiến thắng Chuyên án CM12. (ảnh: baodongnai)

Hơn 30 năm trước, địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là trọng điểm của bọn tội phạm tổ chức trốn ra nước ngoài. Từng có vụ đối tượng dùng phương thức lập công ty khai thác đá ở Hòn Đá Bạc nhằm tập hợp người đi nước ngoài. Thậm chí chúng còn giả Công an, mua tàu sắt, trang bị vũ khí để vượt biên..

Trong 3 năm, từ 1981 đến tháng 9/1984, địch đưa quân về nước ta. Lực lượng công an đã đón bắt tại Hòn Đá Bạc 18 chuyến xâm nhập, với 189 tên gián điệp, biệt kích, trong đó có 2 trong 3 tên cầm đầu tổ chức; 143 lượt tàu với hơn 3.600 khẩu súng các loại; 90 tấn đạn; 1.200kg chất nổ; 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động phá hoại khác…Nếu không có tai mắt và sự giúp đỡ của nhân dân, có lẽ kế hoạch CM12 sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ.

Người dân ven biển Cà Mau ngày đó rất nghèo, họ bám biển mưu sinh với ngư cụ là đăng, đó, lưới cá,… Khi kế hoạch CM12 mở màn, nhiều khu vực bãi biển mà lâu nay người dân mưu sinh, bỗng dưng bị khoanh vùng.

Suốt hơn 1.000 ngày đêm ròng rã triển khai CM12 trên vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, các ngư dân lâu nay luôn bám biển đã nhường đất cho lực lượng chuyên án làm nhiệm vụ, không để xảy ra bất cứ vụ va chạm nào giữa lực lượng công an, nhân dân và địch.

Có những lúc rơi vào tình thế buộc lực lượng công an phải nổ súng, gây tiếng vang khắp nơi, bọn đầu não của địch cho người về kiểm tra nhưng nhân dân xóa lộ, che giấu rất tốt nên đã qua mặt bọn tội phạm. Có khi họ giả vờ đi nhặt vật rơi bãi biển, giúp công an giám sát, nghe ngóng tình hình, thăm dò địa bàn và kịp thời cung cấp cho công an những nguồn tin giá trị về tình hình an ninh ven biển, vượt biên trái phép.

Người dân còn nhiệt tình giúp phương tiện, tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ: “Tới ngày Mai Văn Hạnh bị bắt, ông ta không biết được tại sao lại bị bắt một cách gọn ghẽ như vậy. Sở dĩ ông ta có kết quả này là do ý thức bảo vệ bí mật của toàn dân ta. Nếu không có ý thức đó, kế hoạch sẽ bị bể, lộ, chúng ta không thể hoàn thành nhiệm vụ”. Đại Tá Trần Phương Thế, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau nhớ lại.

Đồng chí Trần Phương Thế (tự Tám Thậm), bí số NKA1 (bìa trái) cùng Mai Văn Hạnh (bìa phải) và đồng bọn tại căn cứ giả ở Cà Mau (ảnh: SGGP)

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, người gắn với Kế hoạch CM12 với ám danh NKA2 nhớ lại: Khi đó ông còn là Phó công an huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau, phụ trách an ninh, ông cùng với đồng đội truy bắt nhóm biệt kích, gián điệp đầu tiên xâm nhập bằng đường biển, giúp Bộ Công an mở ra chuyên án CM12.

Thời điểm đó, ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm căn cứ giả, vũ khí giả. Trong chiến công CM12, có sự hỗ trợ của vợ chồng Năm Tài ở Vàm Rạch Ruộng đã cho anh em cho mượn vườn lá sau nhà làm căn cứ giả, nhà Tư Thạnh ở rạch Chồn Gầm cho Ban chuyên án mượn nơi để cất giấu vũ khí mà công an thu được của địch. Má Sáu ở vàm Tham Trơi cho anh em đào xới sau vườn để làm nơi chôn giấu vũ khí giả nhằm đánh lạc hướng bọn đầu não Túy – Hạnh vào “quốc nội” kiểm tra, vợ chồng ông Tư Hà ở thị trấn Sông Đốc cho anh em mượn tàu để vận chuyển vũ khí,...

Khi Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cùng anh em Trung đoàn 124 làm nhiệm vụ, trên đường đi, đa số anh em đều mệt mỏi kiệt sức. Thấp thoáng xa xa thấy có ánh đèn dầu tù mù và chiếc xuồng của nhà dân neo đậu. Mừng quá, mọi người vào nhà xin mượn chiếc xuồng. Lúc đầu hai vợ chồng già không cho vì sợ anh em giả danh bộ đội vượt biên, nhưng khi biết mọi người đều là công an huyện đi công tác thì họ nhiệt tình đồng ý cho mượn.

Ông già lui cui chuẩn bị dằm chèo, còn bà chủ nhà xuống bếp làm cho các anh ly trà đường nóng. Từng ngụm trà ấm nóng thấm đến tận tim, gan, đến giờ khi nhắc lại câu chuyện này, thiếu tướng Hồ Việt Lắm cứ nhớ mãi vị ngọt của ly trà đường, ông bảo đó là vị ngọt của tình quân dân: “Chúng ta có được lòng tin của dân, đòi hỏi phẩm chất của người cán bộ công an, cũng như lối sống phải trong sạch lành mạnh mới tạo được niềm tin cho người dân và phải có thái độ phục vụ nhân dân, biết dựa vào dân thì chắc chắn, bất cứ nhiệm vụ nào, lực lượng công an nhân dân sẽ hoàn thành tốt được”.

Nhớ rất rõ ngày 14/5/1981, khi tàu vượt biên lảng vảng ở ngoài vùng biển bãi ghe Trần Văn Thời đã bị nhân dân phát hiện. Lúc chúng cập vào bờ, bới đất tìm chỗ chôn giấu vũ khí, chiều xuống, chúng di chuyển vào bìa rừng để ẩn nấp.

Được công an dặn dò, nhân dân đã theo dõi, phát hiện, báo cáo về cơ quan công an. Cũng chính nhân dân ở xóm ấp này huy động hàng trăm người đốt đuốc, cùng với lực lượng dân quân địa phương, công an huyện Trần Văn Thời do Thiếu tướng Hồ Việt Lắm chỉ huy trực tiếp, Mai Văn Hạnh bị bắt sống. Lực lượng chuyên án đã đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ, TP.HCM, trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức tôn giáo,…

Khi bắt gọn toán gián điệp này, cũng chính nhân dân giữ bí mật đến cùng, Bộ Công an nhờ vậy mới làm nên chuyên án CM12. Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ cho rằng: “Chiến công của CM12 là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng công an nhân dân Việt Nam trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có được chiến công này, trước hết phải nói đến trí tuệ, mưu lược và nghệ thuật chỉ huy điều hành của các lãnh đạo công an Việt Nam. Tiếp theo, đó là tinh thần dũng cảm, mưu trí, khôn khéo của lực lượng trinh sát và các cán bộ - chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, trên hết là được đặt trên nền tảng thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân”.

Không thể nào quên sự giúp đỡ và hy sinh to lớn của nhân dân để làm nên những chiến công của Kế hoạch CM12, như một lời tri ân, lực lượng Công an nhân dân đã lấy mốc son chói lọi từ chiến thắng CM12 để làm bài học nghiệp vụ, giáo dục truyền thống, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, luôn đề cao cảnh giác trong mọi thời điểm và trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nói về tình quân dân, Trung tướng Vũ Thái Hoà - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong 70 năm lực lượng công an xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có hơn 30 năm chống thực dân và đế quốc, lực lượng công an nhân dân luôn gắn chặt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, nuôi dưỡng, bảo bọc: “Bao nhiêu lời nói, hành động của Công an đều không qua khỏi cặp mắt của nhân dân. Chính vì nhân dân theo dõi, giúp đỡ, công an mới trưởng thành. Do vậy, chúng ta tiếp tục giúp vào tạo điều kiện cho nhân dân cùng với công an giữ gìn an ninh trật tự”. Ông Hòa nhấn mạnh. 

Hôm nay, đất nước ta đang tập trung xây dựng lực lượng công an ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ở mọi thời cuộc của đất nước, việc bảo vệ an ninh quốc gia là việc làm của toàn dân và là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân, lực lượng công an làm nòng cốt.

Sự đóng góp của quần chúng nhân dân thời kỳ nào cũng to lớn, làm hậu phương, nuôi dưỡng, góp sức, cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ. Để có được lòng dân, chỉ có uy tín, trách nhiệm, làm nhiều việc có ích cho nhân dân mới đem lại niềm tin, sự tín nhiệm bền chặt và sự hỗ trợ hết mình của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận an ninh Tổ quốc./.