Giảm ngập – người dân vẫn còn lo

(VOH) - Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những công trình trong quy hoạch 1547/CP do Ban quản lý dự án 1547 làm chủ đầu tư. Đến nay công trình đã hoàn thành 80% khối lượng công việc, 20% còn lại đang vướng một phần mặt bằng ở quận 1, Bình Thạnh chưa giải tỏa được nên chưa đẩy nhanh tiến độ thi công để kết thúc công trình. Chính vì nguyên nhân đó nên theo ông Vũ Văn Bình - Giám đốc Ban quản lý dự án 1547, năng lực chống ngập của cống trong mùa mưa này chưa được phát huy hết.

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang thực hiện chưa chuyển dòng thi công kịp vào hệ thống thoát nước hiện hữu cũng gây ngập nặng khu vực Bàu Cát ở phường 10, 11, 14, 17 quận Tân Bình, ngập nặng nhất là trên đường Đồng Đen - Âu Cơ trong những cơn mưa xảy ra gần đây. Còn nhiều dự án khác đang triển khai cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đi thực tế, chúng tôi còn ghi nhận có những vùng đất bị ngập nước triền miên như vùng đất trũng của các phường thuộc quận 3 nằm dọc theo đường Hoàng Sa, Trường Sa, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong đó có vùng đất ở khu phố 1 thuộc phường 7 quận 3 có cốt nền đất thấp hơn mặt đường từ 0,5 đến 0,8 mét. Khi xảy ra mưa hoặc triều cường dâng cao, vùng đất này ngập lênh láng. Cán bộ phòng Quản lý đô thị quận 3, ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trong tháng 5 này sẽ khởi công 2/8 dự án nâng cấp vùng đất quận 3 dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa. Đối với vùng đất khu phố 1 phường 7 quận 3 cũng đã có dự án trong năm 2013 nâng cao nền đất, xây cống thoát nước, mở rộng hẻm và được người dân ở đây đồng thuận hiến đất nhưng còn phải chờ kinh phí đầu tư.

Trưởng khu phố 1 - phường 7 - quận 3 Lê Văn Sáng cũng bức xúc mong dự án được khởi công sớm đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Không những thế, nhiều kênh rạch ở thành phố cũng bị dân lấn chiếm xây nhà trái phép và xả rác bừa bãi xuống kênh làm cản trở dòng chảy của nước. Điển hình là rạch Phan Văn Hân ở phường 17, quận Bình Thạnh. Hiện giờ, con kênh đầy rác và các chất thải khác vừa gây ô nhiễm môi trường vừa cản trở dòng chảy thoát ra kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Theo người dân ở đây, con rạch này đã có dự án cải tạo từ 10 năm qua do quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư nhưng vì quận chưa giải quyết điều chỉnh đơn giá đền bù phù hợp với tình hình hiện nay nên dân chưa chịu di dời, vì vậy mà con rạch lâm vào cảnh tồi tệ như hiện nay.


Các dự án nạo vét kênh đang vướng các công trình lấn chiếm kênh - Ảnh: Petrotimes.

Ông Bùi Thế Hải - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng không chịu nỗi cách chai lì của một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty bê tông Lê Phan kéo dài thời gian không chịu di dời phần mặt bằng tiếp giáp với đoạn kênh Tham Lương gần cầu Tham Lương quận 12 để nhà thầu thi công tiếp các công việc của gói thầu. Vì thế, nhà thầu phải tự đắp phần đê theo quy định để kịp tiến độ và ngăn chặn tình trạng xả chất thải của các doanh nghiệp này xuống lòng kênh.

TPHCM có hơn 3.000 km đường cống thoát nước và nhiều kênh rạch. Trong mùa khô vừa qua, Trung tâm Điều hành Chống ngập nước thành phố đã cho tiến hành duy tu bảo dưỡng, nạo vét hơn 500 km đường cống, nhiều kênh rạch và kiểm tra sửa chữa các trạm bơm, van ngăn triều và làm nhiều công việc khác chuẩn bị cho mùa mưa năm 2013. Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng Phòng Quản lý Thoát nước - Trung tâm Điều hành Chống ngập nước thành phố cho biết thêm, mọi nỗ lực của trung tâm với các Sở, ngành và quận - huyện đều muốn cải thiện hơn nữa tình hình ngập nước ở thành phố nhưng có nhiều nguyên nhân không tránh khỏi, vì thế có những dự án chậm trễ, thi công không đúng như cam kết ban đầu gây ra ngập nước ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân.

Năm qua, thành phố đã xóa được 7 điểm ngập và năm nay phấn đấu xóa thêm 7/18 điểm ngập còn lại. Theo ông Nguyễn Ngọc Công - Phó giám đốc Trung tâm Điều hành Chống ngập nước thành phố, 7 điểm này tương ứng với 9 dự án thoát nước. Khác với trước đây, các dự án này không chỉ xây đường cống thoát nước mà còn đồng bộ thi công các phần việc khác để hoàn thiện cả đoạn đường. Đến nay, qua quá trình triển khai đã có 3 điểm ngập trên đường Tân Hòa Đông, Hồng Bàng, Tôn Thất Hiệp cơ bản không còn ngập, 4 điểm khác chủ đầu tư đang chuẩn bị mọi thứ để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất và cố gắng hoàn thành trong năm nay. 

Hiện nay, trung tâm cũng đã lên kế hoạch xóa ngập 11 điểm còn lại trong năm 2014 - 2015. Sự nỗ lực trên là cần thiết và chắc người dân cũng vui mừng trước sự cải thiện tình hình ngập nước đô thị nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều điều người dân lo lắng, nhất là những nơi thường xuyên bị ngập nước do mưa và triều cường. Mong rằng các chủ đầu tư triển khai sớm hoặc đẩy nhanh tiến độ dự án và quận - huyện phối hợp với các cơ quan chức năng ở thành phố giải quyết tồn đọng về vướng mắc của người dân, bàn giao mặt bằng sớm cho nhà thầu để kịp hoàn thành công trình, thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình chống ngập đô thị của Thành ủy TPHCM.