Giao thông TPHCM: Hiệu quả từ những thay đổi nhỏ

(VOH) - Theo suy nghĩ thông thường, muốn cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc, người ta nghĩ ngay đến việc mở rộng diện tích đường. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là mở rộng bao nhiêu, trong bao lâu mới đáp ứng kịp tốc độ tăng của phương tiện giao thông? Câu trả lời không dễ. Trước thực tế này, có cách làm khác để khai thác tối đa diện tích mặt đường, tạo hiệu quả tức thì trong lưu thông.


Tiểu đảo ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai-CMT8, quận 3.

Giải pháp tăng cường khả năng khai thác mặt đường được áp dụng đầu tiên là xây dựng tiểu đảo. Phần vỉa hè bên phải sẽ được xén bớt, tạo đường cho xe hai bánh rẽ phải ở các giao lộ nhỏ. Tại nút giao thông lớn, phần vỉa hè bị cắt đủ lớn sẽ cho phép tất cả xe rẽ phải liên tục. Tiểu đảo được xây bằng xi măng và đặt sau đèn giao thông nên khi phương tiện rẽ phải vẫn đảm bảo đúng luật là không vượt đèn đỏ.

Từ phương án tiểu đảo, cơ quan quản lý giao thông của TPHCM bắt đầu giúp người dân định hình dần thói quen lưu thông theo hướng hay nói nôm na là trộn dòng phương tiện. Hiện nay, gần giao lộ lớn, các phương tiện không di chuyển theo làn đường riêng mà sẽ lưu thông hỗn hợp theo hướng. Ví dụ: đường có 3 làn đường thì làn sát vỉa hè dành cho tất cả phương tiện rẽ phải, làn giữa dành cho xe đi thẳng hoặc xe vừa đi thẳng vừa rẽ phải và làn sát tim đường dành cho xe rẽ trái. Cơ bản là vậy nhưng việc áp dụng sẽ có khác biệt tùy theo nhu cầu. Giải pháp này rõ ràng đã giải quyết được xung đột tại các giao lộ vốn là một nguyên nhân chính gây tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Ông Hà Lê Ân, phó phòng quản lý duy tu hạ tầng khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết việc tăng làn xe và trộn làn đường theo hướng được áp dụng tại các tuyến đường xe lưu thông tốc độ tối đa 40 km/h và có hai làn xe mỗi hướng lưu thông trở lên. Việc này nhằm rút ngắn dòng chờ tại các giao lộ. Ông Trần Sĩ Thắng, trưởng phòng quản lý hạ tầng giao thông, khu quản lý giao thông đô thị số 2 cũng cho biết đơn vị này đã thực hiện việc trộn dòng xe tại các khu vực như giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí, Nguyễn Xí – quốc lộ 13, cầu thép tại ngã tư Hàng Xanh và đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Việc xây tiểu đảo là một sáng kiến nhưng từ đây lại phát sinh một vấn đề khác. Xe lưu thông vào ban đêm rất dễ tông vào đầu tiểu đảo nếu không quan sát. Từ thực tế đó, ông Trần Minh Quân - Phó trưởng phòng quản lý Duy tu - Hạ Tầng, Khu quản lí Giao thông đô thị số 3 cùng các cộng sự đã đưa ra giải pháp khắc phục. Đó là việc bố trí cọc nhựa dẻo phản quan để cảnh báo sớm khi các xe đến các tiểu đảo. Ông Trần Minh Quân chia sẻ: “Tôi cùng nhóm nghiên cứu ở khu quản lý giao thông đô thị số 3 áp dụng thử mô hình dùng các cọc nhựa dẻo dọc theo đường biên của dải phân cách. Như vậy để tăng mức độ cảnh báo từ xa, nhất là với các tài xế ngồi trên cabin cao. Khi mà áp dụng thử mô hình tại ngã tư Tân Thới Hiệp từ năm 2012 đến nay hầu như không xảy ra tai nạn va chạm trực diện vào đầu tiểu đảo và dải phân cách. Chúng tôi nhân rộng mô hình này trên quốc lộ 1, quốc lộ 22 kết quả thấy khả quan”.

Bên cạnh giải pháp tiểu đảo, việc điều chỉnh chiều rộng làn xe cũng là một thay đổi nhỏ có hiệu quả. Giải pháp này xuất phát từ tình trạng nhiều con đường của TPHCM được chia thành hai làn, một cho xe máy và một cho xe ô tô. Vào giờ cao điểm, lượng xe máy nhiều và di chuyển khó khăn trong khi ô tô thì thưa thớt. Do đó, Sở GTVT TP điều chỉnh chiều rộng làn xe khi mặt đường được chia thành một làn ô tô rộng 3m - 3,25 m, một làn xe hỗn hợp dành cho ô tô - xe máy rộng 3m, phần đường còn lại rộng 2m dành cho xe máy. Khi lượng xe máy đổ về quá nhiều thì làn xe hỗn hợp sẽ góp phần giải tỏa áp lực về lưu lượng. Giải pháp này được ghi nhận khá khả quan cho các tuyến đường Pasteur, Lê Duẩn, Lý Tự Trọng (quận 1), Xô Viết Nghệ Tĩnh (q Bình Thạnh), Võ Văn Tần (quận 3). Đến nay, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã điều chỉnh làn đường tại 38 tuyến đường, trong đó riêng 5 tháng đầu năm 2013 là 17 tuyến.

Tiếp tục việc khai thác hiệu quả mặt đường vốn có, cơ quan chức năng TP tiến hành đổi làn đường lưu thông và đã áp dụng trên 35 tuyến đường. Thông thường, chiều lưu thông các phương tiện được phân bố theo tốc độ từ cao đến thấp, theo chiều từ trái sang phải. Quy định chung hiện nay là làn ngoài cùng sát dải phân cách dành cho xe du lịch, làn giữa là làn xe tải và làn bên phải là xe hai bánh. Thế nhưng, quy định này ít nhiều gây nên bất cập, đặc biệt là tai nạn giao thông chết người. Ông Lê Minh Triết, phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Qua nghiên cứu các nguyên nhân gây tai nạn giao thông trên các tuyến đường không có dải phân cách phân tách riêng làn xe ô tô với làn xe 2-3 bánh, Sở Giao thông vận tải nhận thấy nhóm nguyên nhân gây tai nạn giao thông giữa các loại xe 2-3 bánh và xe ô tô tải chiếm tỉ lệ rất lớn (cụ thể trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh, trong năm 2012, tỉ lệ này lên đến hơn 50%). Do đó, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành thí điểm bố trí lại làn đường dành cho ô tô tải lưu thông, tách xa làn đường dành cho các loại xe 2-3 bánh trên một số tuyến có mật độ xe 2-3 bánh lớn, có 3 làn đường trở lên. Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện được trên 35 tuyến đường và qua theo dõi giải pháp này đã có hiệu quả tích cực góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt".

Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn Giao thông thành phố cũng đồng tình với giải pháp này. Theo ông, quốc lộ 1 từ Bình Tân đến Bình Chánh chưa có dải phân cách tách riêng làn đường giữa xe 4 bánh và xe 2 bánh. Tốc độ cũng chỉ quy định có 40 km/h. Vậy nên việc đổi làn đường xe tải sang làn giữa thì có xảy ra va quẹt giữa xe máy dẫn đến gây ra tai nạn với ô tô con cũng nhẹ hơn là giữa xe máy với xe tải, xe container. Ban an toàn giao thông thấy rằng việc Sở GTVT rà soát sắp xếp làn đường là phù hợp.
Thêm một tác dụng của giải pháp này là tài xế xe du lịch dễ quan sát biển báo hơn, không bị che khuất bởi các xe tải trọng lớn.

Gần đây, giao thông TPHCM đón nhận thêm một sáng kiến đang được thí điểm. Đó là việc kẻ vạch dừng chờ đèn tín hiệu riêng biệt cho xe mô tô và xe ô tô tại các giao lộ. Theo đó, vạch dừng chờ dành cho xe hai bánh được kẻ sát với giao lộ hơn vạch dành cho xe ô tô. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, xe mô tô đậu phía trên xe ô tô sẽ thoát ra trước, giảm xung đột giữa hai làn xe đi thẳng và quẹo trái, đặc biệt bớt hẳn tình trạng tạt đầu quẹo trái của xe mô tô. Giải pháp này đang được thực hiện tại một số giao lộ như Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1; 3/2 – Sư Vạn Hạnh, quận 10.

Áp lực về giao thông luôn hiện hữu và mang tính cấp bách, đặc biệt là đối với TPHCM – đầu tàu kinh tế cả nước. Trong khi chờ đợi những giải pháp chiến lược thì những thay đổi nhỏ mang tính khoa học đang cần được phát huy và áp dụng linh động. Những thay đổi có thể bắt đầu từ việc xây một tiểu đảo, điều chỉnh độ rộng của làn đường, phân lại làn xe hay đơn giản là kẻ lại vạch dừng hợp lý, nhưng đó là những bước đi quan trọng định hình và thay đổi dần nhận thức của người lưu thông. Đây là yêu cầu cần và đủ để các giải pháp tầm vĩ mô phát huy đầy đủ tác dụng trong thời gian tới.