Góp ý cho dự thảo Luật đấu thầu mua thuốc - Nhiều vướng mắc!

(VOH) - Sáng nay, 19/8, tại TPHCM, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến về đấu thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế, tiến tới hoàn thiện dự án Luật đấu thầu sửa đổi.
Tháng 10 tới đây, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp tục họp lần 2 để các cơ sở y tế đóng góp ý kiến một lần nữa để tiến tới hoàn thiện dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi. Ảnh: VOV

Bắt đầu từ năm 2013, Sở Y tế thành phố sẽ thực hiện đấu thầu tập trung, giao cho Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế thành phố trực thuộc Sở Y tế làm đầu mối, thay cho hình thức đấu thầu riêng lẻ từng bệnh viện như trước kia. Vì thế cho nên, việc đóng góp và hoàn thiện cho những nội dung quy định về đấu thầu mua thuốc trong dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi là vô cùng cần thiết và tạo hành lang pháp lý để thời gian tới các cơ sở dễ dàng thực hiện.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi về đấu thầu mua thuốc, các đại biểu đến từ bệnh viện, cùng với Hội Dược học, Hội Dược sĩ bệnh viện đã góp ý rất nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh luật, các hình thức lựa chọn nhà thầu trong mua thuốc, quy trình lựa chọn nhà thầu trong mua thuốc, chỉ định thầu trong mua thuốc, điều kiện xét duyệt trúng thầu, việc mua thuốc tập trung và trách nhiệm trong mua thuốc tập trung.

Nói về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, cần phải quy định rõ ràng trong phạm vi điều chỉnh, chủ thể chi phối sẽ là ai, bởi vì theo quy định gồm các cơ sở hoạt động mua thuốc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác.Nếu như vậy thì các cơ sở y tế tư nhân có phải chịu chi phối bởi Luật đấu thầu này hay chỉ là các cơ sở y tế công? Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh cần quy định rõ đối tượng thì mới có thể thực hiện luật khi ban hành. Tiếp theo vấn đề, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh cũng nêu ý kiến thắc mắc về giá trị gói thầu phê duyệt: một gói thầu sẽ là một mặt hàng thuốc hay 1 gói thầu bao gồm nhiều mặt hàng? Hay như Bác sĩ Nguyễn Duy Thiện - Bệnh viện Đại học Y Dược TP - so sánh quy trình trước đây thực hiện đấu thầu thuốc là xét thầu, phê duyệt sau đó là thương thảo hợp đồng thì bây giờ dự thảo Luật đổi lại là xét thầu, thương thảo hợp đồng và sau đó phê duyệt thì bất hợp lý. Thêm vào đó, bác sĩ Thiện cho rằng dự thảo nêu rõ các đơn vị không trúng thầu phải được cơ sở y tế giải thích vì sao không trúng thầu, như vậy rất mất thời gian và không cần thiết. Về mua sắm tập trung, Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức mua sắm tập trung. Bác sĩ Thiện nêu vấn đề:

Đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan  - Phó giám đốc Sở Y tế TP lên tiếng điểm mới trong dự thảo Luật đấu thầu thuốc là có đàm phán giá, nó cũng tạo ra cơ chế mở hơn so với trước. Tuy vậy, để tránh rắc rối thì có chăng nên chia nhóm theo kỹ thuật sau đó đề ra mức giá trần thanh toán để bệnh viện căn cứ vào đó thương thảo với các công ty:  

Liên quan đến đấu thầu tập trung, ông Lê Văn Tăng  - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng rất cần thiết mua sắm theo mô hình này:

Thuốc là hàng hóa đặc biệt, vì vậy trong dự thảo Luật đấu thầu phải xây dựng chuyên biệt, không giống các loại hàng hóa khác. Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng bệnh viện tư cũng là đối tượng để áp dụng Luật đấu thầu này:

Tháng 10 tới đây, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp tục họp lần 2 để các cơ sở y tế đóng góp ý kiến một lần nữa để tiến tới hoàn thiện dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi trong đó có quy định về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế - một vấn đề đang rất nóng hiện nay.