Chờ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng thông xe cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

(VOH) – Sáng nay 08/02/2015, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55km đã chính thức thông xe.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại lễ thông xe.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ thông xe Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: K.H

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP.HCM kết nối với Quốc lộ 51, sân bay Long Thành và Quốc lộ 1A.

Dự án đi qua địa phận TP.HCM và Đồng Nai với chiều dài 55km với 5 nút giao, 1 trung tâm điều hành, 3 trạm thu phí và 1 trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, từ ngày 9/2 mới bắt đầu thu phí.

Trên tuyến cao tốc, đoạn An Phú – Vành đai II thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, quy mô 4 làn đường, 2 làn dừng khẩn cấp, cho phép tốc độ tối đa 80 km/h; Đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn đường và 2 làn dừng khẩn, tốc độ tối đa 120km/h; riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h.

Lễ thông xe Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: K.H

Trước đó, Chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa vào khai thác đoạn từ Vành đai II đến quốc lộ 51 dài 20km vào ngày 02/01/2014 và đưa vào khai thác Thành phần I của Dự án dài 4km từ nút giao thông An Phú đến nút giao thông Vành đai II vào ngày 10/01/2015. Sau 1 năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến này đã đảm bảo phục vụ cho hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn.

Khi 30km đường từ nút giao Quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây hoàn thành, toàn tuyến cao tốc được đưa vào khai thác không chỉ giúp giảm thiểu thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận, giảm ùn tắc giao thông, giảm 20 – 30% chi phí vận tải…mà còn là động lực để phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương trong khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ lãnh đạo TPHCM và tỉnh Đồng Nai, 2 địa phương có tuyến đường đi qua đều cho rằng tuyến cao tốc mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sử phát triển kinh tế xã hội  không chỉ đối với TPHCM và Đồng Nai mà còn cho cả khu vực. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng, công trình càng có ý nghĩa hơn khi nó đi những địa danh gắn với tuyền thống cách mạng ghi dấu những chiến công của quân ta: "Từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng, chúng ta vui mừng khách thành tuyến cao tốc hiện đại phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa kết nối hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung, kết nối với sân bay Long Thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời song nhân dân địa phương".

Khi đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thì một dải từ Đông sang Tây sẽ được nối bằng đường cao tốc và đại lộ. Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự cố gắng của các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, thiết kế đã tích cực thực hiện dự án vượt tiến độ 1 năm. Thủ tướng cũng cảm ơn chính phủ các nước và các nhà tài trợ dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều ý nghĩa: "Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng an ninh của khu vực, của đất nước. Đặc biệt trong những ngày này công trình được đưa vào sử dụng cũng mang ý nghĩa tri sâu sắc đối với đồng chí đồng bào".

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tiếp tục thực hiện các công việc còn lại của dự án, đồng thời tính toán hoàn thiện những đường kết nối với đường cao tốc nhằm tạo sự đồng bộ phát huy tốt nhất hiệu quả của dự án này./.