Không có chuyện heo Trung Quốc đội lốt heo Đồng Nai

(VOH) - Nếu không kiểm soát đồng bộ, chặt chẽ việc vận chuyển heo, nguyên liệu thức ăn và kinh doanh giết mổ thì dịch tả heo châu Phi dễ lây, ảnh hưởng đến đàn heo 2,5 triệu con.

Đồng Nai là cửa ngõ đi và là nơi trung chuyển heo vào các tỉnh và TPHCM. Nếu không kiểm soát đồng bộ, chặt chẽ việc vận chuyển heo, nguyên liệu thức ăn và kinh doanh giết mổ thì dễ lây dịch, ảnh hưởng đến đàn heo 2,5 triệu con, gây thiệt hại lớn trong bối cảnh tình hình dịch tả heo châu Phi hiện nay.

Trao đổi với VOH, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai – khẳng định: Tình hình thực hiện công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi cũng như định hướng liên kết, hợp tác cùng chính quyền TPHCM để đảm bảo nguồn cung thịt tươi sống từ Đồng Nai luôn đảm bảo an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng. Đặc biệt, không có chuyện heo Trung Quốc đội lốt heo Đồng Nai.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công. Ảnh: ĐS&PL

*VOH: Xin ông cho biết công tác đối phó dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua ra sao?

- Ông Nguyễn Trí Công: Hiện nay, công tác phòng chống và đối phó dịch tả heo Châu Phi thì không riêng gì Đồng Nai mà các tỉnh của phía Nam và trên cả nước đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh được cấp trên chỉ đạo và đặc biệt là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân công. Ở các tỉnh phía Nam hiện đang căng mình ra để phòng chống dịch bệnh này một cách tích cực nhất trong thời điểm hiện nay. Hiện Việt Nam có 23 tỉnh/thành nhiễm dịch tả heo Châu Phi, nhưng bà con chăn nuôi của các tỉnh phía Nam – trong đó có tỉnh Đồng Nai – đã nắm rõ được các thông tin, các cách phòng chống, hướng an toàn sinh học. Cho tới ngày hôm nay, thứ nhất, các cơ quan đã có kiểm soát rất chặt lượng nhập heo từ khác nơi khác về tỉnh Đồng Nai và đi các tỉnh; Thứ hai, người chăn nuôi của Đồng Nai đã thực hiện tất cả biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ cho đàn heo của mình.

*VOH: Trước thông tin heo Trung Quốc đội lốt heo Đồng Nai đưa vào thị trường TPHCM thì UBND tỉnh Đồng Nai và cơ quan chức năng đã hỗ trợ như thế nào và đã có những hành động cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?

- Ông Nguyễn Trí Công: Việc heo Trung Quốc đội lốt heo của Đồng Nai thì chúng tôi khẳng định là việc này hoàn toàn không có! Cách đây khoảng 3 tuần cho đến 1 tháng, do sự chênh lệch giá giữa các vùng miền, thì heo của phía Bắc cũng có đi vào phía Nam bởi vì do sự chênh lệch giá. Nhưng sau một thời gian, đến nay, giá chênh lệch đã không còn. Mặc dù Trung Quốc bị bệnh dịch tả heo Châu Phi hoành hành, nhưng hiện nay do lượng heo và sự cung cầu thì heo của Trung Quốc còn cao hơn heo của Việt Nam nên không thể có lượng heo từ Trung Quốc qua Việt Nam được.            

*VOH: Theo ông về lâu dài các địa phương cần có sự liên kết ra sao để hệ thống cung cấp nguồn heo nói riêng và thực phẩm tươi sống nói chung cho thị trường TPHCM được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì được biết Đồng Nai là một trong những địa phương cung cấp lượng heo cho TPHCM rất nhiều?

- Ông Nguyễn Trí Công: Về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề về thịt thì không riêng gì TPHCM mà người tiêu dùng trên cả nước luôn quan tâm đến vấn đề này. Trước dịch bệnh này, trong một khoảng thời gian ngắn có một vài các tin đồn trên Facebook hoặc một số các thông tin gây nhiễu trong thị trường. Chúng tôi khẳng định lại là các cơ quan của các ngành chức năng hiện nay đang kiểm soát rất tốt về thực phẩm an toàn; đặc biệt đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi thì các cơ quan và các chuyên gia đã thông tin rõ ràng rằng bệnh này không lây qua người. Nhưng không phải không lây cho người mà chúng ta quên đi chuyện kiểm soát an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề hàng đầu của các cơ quan chức năng chú trọng đến nhu cầu an toàn của người tiêu dùng.

Đồng Nai hiện là một trong những tỉnh cung cấp gần như là 70% nguồn thực phẩm về heo, gà cho TP. Các tỉnh bạn như Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang... thì TPHCM hiện đã làm tốt công tác yêu cầu các tỉnh kiểm soát chặt chẽ lượng heo và kiểm tra chặt chẽ các giấy tờ, kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh.

Cho tới thời điểm này, Đồng Nai hoàn toàn chưa có dịch; các cơ quan chức năng của Đồng Nai đang rất quyết liệt trong việc bảo đảm thực phẩm an toàn không những cho người dân Đồng Nai mà còn cho các tỉnh bạn, đặc biệt là TPHCM vì thị trường TPHCM là một trong những thị trường cung cấp gia súc chính của Đồng Nai. Việc kiểm soát thực phẩm an toàn đó chính là việc ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, chúng tôi vẫn khẳng định là nguồn heo an toàn vào các chợ của TPHCM đã được kiểm tra rất chặt chẽ, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

Người dân TPHCM và các tỉnh lân cận cũng như người dân tỉnh Đồng Nai yên tâm, vì hiện các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra gắt gao, có những hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng cung cấp thực phẩm không an toàn. Trong lúc này, với lượng heo mà tỉnh Đồng Nai cung cấp vào TPHCM luôn được kiểm tra chặt chẽ, không thể lọt những thực phẩm bẩn vào TPHCM hiện nay.

* VOH: Với dịch tả heo châu Phi hiện nay thì đâu là giải pháp căn cơ để chúng ta có thể giải quyết triệt để, vừa đảm bảo người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi ngăn ngừa được dịch bệnh này?

- Ông Nguyễn Trí Công: Bệnh dịch tả heo Châu Phi theo thông tin là đã có tới nay 100 năm. Vắc-xin hữu hiện nhằm phòng bệnh này hiện chưa có. Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát rất tốt. Thứ nhất, thông tin minh bạch, những nơi nào ở một số các tỉnh phía Bắc xuất hiện dịch tả heo Châu Phi đã được công khai, tiêu hủy rõ ràng. Thứ hai, về vấn đề kiểm soát thị trường, cho đến hôm nay, các tỉnh phía Nam đang kiểm soát rất chặt chẽ các nguồn xuất xứ từ những đàn heo của các tỉnh đưa về TPHCM. Các tỉnh chung quanh đã ý thức được việc khẩn trương phòng chống dịch, UBND TPHCM đã gửi công văn cho các tỉnh phối hợp chặt chẽ việc kiểm soát thực phẩm an toàn, nguồn gốc xuất xứ.

Theo tôi, thời gian tới, đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi – dĩ nhiên là các cơ quan đang hết sức chú trọng và đưa ra những giải pháp phòng bệnh mặc dù chúng ta chưa có vắc-xin để phòng chống bệnh này. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo bà con chăn nuôi, các chủ trang trại thực hiện các biện pháp an toàn sinh học một cách tối đa nhất như: Phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột, và đặc biệt là không để lây nhiễm trong cộng đồng. Tôi nghĩ biện pháp căn cơ hiện nay là chúng ta đang căng mình ra phòng dịch. Và trong thời gian lâu dài, với bệnh dịch tả heo Châu Phi này, chúng ta sẽ có giải pháp ngăn ngừa, không để lây nhiễm cho các tỉnh phía Nam. Và điều quan trọng nhất đó là cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Trong lúc này, các cơ quan chức năng đã làm hết sức và đã có những biện pháp rất quyết liệt trong việc kiểm soát được dịch bệnh và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân.

*VOH: Xin cám ơn ông!