Kiến nghị đưa BHYT vào diện bắt buộc

(VOH) - Nhằm tập hợp các ý kiến sát thực từ các cơ sở chuyên ngành, chiều 19/9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo biểm y tế (BHYT) với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan và các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc nên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hành và quản lý thẻ BHYT.
Bệnh nhân nộp sổ BHYT khám bệnh tại Bệnh viện quận 2, TPHCM. Ảnh: Mai Hải?SGGP

Liên quan đến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), nhiều quyền lợi dành cho người tham gia bảo hiểm đã được các bệnh viện kiến nghị bổ sung. Đây được xem là tín hiệu lạc quan và động viên cho người dân tham gia BHYT. Bác sĩ Lê Huỳnh Mai - Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP cho biết vấn đề tồn tại lâu nay của bảo hiểm y tế là thanh toán rất nhiêu khê: "Ở bệnh viện chúng tôi, thủ tục vất vả cho cả người bệnh và  nhân viên y tế. Xin thống nhất vấn đề thanh toán. Đóng bao nhiêu không biết nhưng nếu miễn thì miễn hoàn toàn, còn thanh toán thì 5%, 10% phải rõ ràng để đưa ra quy trình khám bệnh rõ ràng để đỡ phiền hà cho bệnh nhân và nhân viên y tế".

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đi khám bệnh, bác sĩ Lê Huỳnh Mai đề nghị nên dán ảnh lên thẻ BHYT, tránh trường hợp như hiện nay bệnh nhân phải mang quá nhiều giấy tờ. Ngoài vấn đề vừa nêu, rất nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm quyền lợi cho người bệnh. PGS.TS.BS Nguyễn Văn Khôi - Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị chi trả đặt stent mạch vành cho bệnh nhân nên thoáng hơn: "Đối với dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn cần phải can thiệp để cấp cứu bệnh nhân theo quy định của Luật bảo hiểm y tế giới hạn 40 tháng lương cơ bản 1 lần thực hiện nhưng thực tế đặt stent mạch vành bệnh viện phải thực hiện 3 lần đặt stent tách ra để bệnh nhân được hưởng BHYT".

Là bác sĩ Trưởng Khoa hiếm muộn - Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, đại biểu Hội đồng nhân dân TP - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết, hiện nay, tỷ lệ người hiếm muộn tăng nhanh chiếm từ 7 đến 10% dân số mà chi trả cho dịch vụ này rất cao, 1 ca làm thụ tinh nhân tạo khoảng gần 100 triệu đồng, nhiều gia đình lâm vào khánh kiệt khi bị hiếm muộn. Và theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết thì bảo hiểm y tế nên chi trả  cho đối tượng này: "Nên thanh toán cho bệnh nhân hiếm muộn vì chi phí khá cao nếu không thanh toán thì người dân nghèo khó tiếp cận. Hiện tại, nếu chẩn đoán dính tới hiếm muộn thì bảo hiểm không chi trả".

Đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TP kiến nghị nên đưa việc tham gia BHYT theo diện bắt buộc và cần có loại hình bảo hiểm phụ để bệnh nhân ung thư có thể an tâm về tài chính: "Có thể mở ra hình thức bảo hiểm phụ được xem là bảo hiểm tự nguyện, ai có bệnh nhiều thì lo mua bảo hiểm này. Còn mọi người khi sinh ra là công dân ngay từ nhỏ phải có bảo hiểm. Trong trường hợp này áp đặt BHYT là cần thiết".

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP kiến nghị nên đưa BHYT vào diện bắt buộc nếu bản thân người đó chưa tham gia vào bất kỳ loại hình bảo hiểm nào: "Chúng tôi thống nhất BHYT là bắt buộc nhưng thực tế có nhiều người có khả năng họ mua BHYT tư nhân nên họ không nhất thiết phải mua BHYT của mình. Vì vậy nên áp dụng tham gia BHYT bắt buộc với những đối tượng chưa tham gia BHYT lần nào".

Về vấn đề kiến nghị dán ảnh lên thẻ BHYT, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hộị TPHCM nói rất khó thực hiện: "Thẻ BHYT nhất là các  đối tượng làm việc trong doanh nghiệp chỉ có giá trị trong 3 tháng nên mỗi lần Scan hình rất tốn kém nên phải hướng đến những loại thẻ khác như thẻ từ, thẻ chíp".

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, tổng số người tham gia BHYT ở nước ta là 59,3 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 67% dân số. Với những góp ý như trên có thể thấy một khi mà những quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng tăng, điều kiện thủ tục khám chữa bệnh, thanh toán BHYT cũng giảm bớt phiền hà thì người dân nên tham gia BHYT để được san sẻ gánh nặng tài chính khi bị rủi ro bệnh tật.