Liên tiếp các trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì bỏng

(VOH) - Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo mấy ngày qua, liên tiếp những trường hợp bỏng đau lòng ở trẻ, trong đó có cả bỏng do lửa và bỏng do nước sôi.

Chiều 17/1, Bác sĩ Diệp Quế Trinh, Khoa phỏng – Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo mấy ngày qua, liên tiếp những trường hợp bỏng đau lòng ở trẻ, trong đó có cả bỏng do lửa và bỏng do nước sôi.

Nặng nhất là trường hợp bé 10 tuổi, quê Quảng Trị, tạm trú tại TPHCM nhập cấp cứu vì bị bỏng lửa ga. Thông tin ban đầu từ người nhà cho biết, ba bé hút thuốc, tàn thuốc rơi làm bình ga phát nổ khiến cả hai cha con đều bị thương. Bé bỏng lửa ga độ 3, diện tích bỏng hơn 70%, trong đó có bỏng hô hấp và sốc bỏng, tiên lượng xấu.

Người cha cũng bỏng nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đau lòng nhất trong số các bé cấp cứu vì bỏng là trường hợp bé trai 28 tháng tuổi tạm trú tại Long An trong lúc đi thu rác cùng các anh chị lớn bé nhặt được một chiếc chai bên trong còn đọng một ít xăng. Trong lúc bật lửa nghịch chơi đã khiến xăng bùng cháy, bé bị bỏng 95%, được đưa vào bệnh viện ngày 15/1. Bé bỏng quá nặng, diện tích quá lớn nên bé đã tử vong vào ngày 16/1.

Nguy kịch, bỏng, trẻ bị bỏng

Một trường hợp nguy kịch vì bỏng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Bác sĩ Diệp Quế Trinh khuyến cáo, đa số các ca bỏng xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi, là lứa tuổi rất hiếu động, tò mò khám phá nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.

Trong giai đoạn trước và sau Tết, nguy cơ bỏng cao vì nhiều gia đình nấu bánh bằng củi, than đã sơ ý không dập tắt hoàn toàn khiến bé dẫm chân, ngã vào đống than còn nóng.

Những trường hợp này thường bỏng rất sâu, có khả năng phải đoạn chi. Lưu ý các gia đình không nên sử dụng bình ga mini vì dễ phát nổ. Nếu bé bị bỏng ga, bỏng lửa cần khẩn cấp đưa bé vào bệnh viện vì hầu hết các trường hợp này đều bị bỏng hô hấp, khả năng tử vong rất cao.