Luật PCCC chưa sát với tình hình thực tế

(VOH) – Thời gian qua, tuy tình hình cháy nổ trên địa bàn TP.HCM đã được kéo giảm nhưng việc thực hiện Luật phòng cháy chữa cháy (PCCC) xem ra vẫn còn gặp nhiều khó khăn bất cập, như: thiếu văn bản hướng dẫn dưới Luật để thực hiện Luật PCCC, còn có sự chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC...Luật PCCC chưa điều chỉnh theo kịp sự phát triển của xã hội như sự xuất hiện các đối tượng mới nguy hiểm về cháy nổ: các công trình ngầm, nhà siêu cao tầng, hệ thống cung cấp khí đốt hóa lỏng tại các chung cư cao cấp, nguy hiểm về cháy ở các công trình đang xây dựng cũng đang là vấn đề đáng ngại trong khi Luật PCCC chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Trong những năm qua, việc thực hiện Luật PCCC đã đem lại một số kết quả như kiềm chế được số các vụ cháy. Theo thống kê từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2012 trên địa bàn TP.HCM xảy ra 434 vụ cháy, thiệt hại về tài sản là 245 tỷ đồng, so với thời gian liền kề, số vụ cháy giảm 172 vụ, tuy nhiên thiệt hại về người tăng hơn 20%. Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện Luật PCCC cũng đã bộc lộ nhiều điểm chưa sát với thực tế dẫn đến việc thực thi Luật PCCC chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay chưa có quy định về bồi dưỡng cho lực lượng PCCC ở cơ sở trực tiếp tham gia chữa cháy (ảnh minh họa: thongtinantoan)

Theo nhận định của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, có một số bất cập trong việc thực hiện Luật PCCC như: Luật quy định người từ 18 tuổi trở lên có trách nhiệm tham gia công tác PCCC ở địa bàn dân cư, tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về bồi dưỡng cho lực lượng PCCC ở cơ sở trực tiếp tham gia chữa cháy nên chưa huy động được sự tham gia tích cực của lực lượng này trong công tác PCCC ở địa phương. Luật quy định trách nhiệm bồi thường của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình nếu để xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, trong thực tế hầu hết các trường hợp thì người có trách nhiệm bồi thường cũng chính là nạn nhân của vụ cháy nên việc bồi thường khó khả thi. Một thực trạng phát sinh trong thời gian vừa qua là xảy ra nhiều vụ cháy ở các công trình đang xây dựng nhưng Luật PCCC chưa có quy định cụ thể về lập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các công trình đang xây dựng.

Ở một đô thị có tốc độ phát triển nhanh như TP.HCM xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở mới có nguy hiểm về cháy nổ như các nhà siêu cao tầng, các công trình ngầm, các hệ thống cung cấp khí đốt hóa lỏng tại các chung cư cao cấp…nhưng các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC chưa điều chỉnh kịp thời, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và việc thực hiện Luật PCCC ở cơ sở. Ngược lại, có những điều Luật quy định nhưng trong thực tế lại rất khó thực hiện. Đại tá Nguyễn Văn Băng- Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho rằng việc quy định các hộ gia đình phải có trang bị phương tiện chữa cháy, tuy nhiên thực tế hiện nay trên địa bàn TP.HCM, số hộ gia đình có bình chữa cháy chỉ chiếm chưa đến 5%, đó là chưa nói đến các hộ dân ở vùng nông thôn, miền núi thì sẽ rất khó có điều kiện để trang bị phương tiện chữa cháy như Luật quy định. Đại tá Nguyễn Văn Băng cho biết quy định về diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy cũng còn có nhiều điểm chưa hợp lý. Đại tá Nguyễn Văn Băng nói:




Theo ông Đỗ Đông Phần- cán bộ phụ trách về PCCC ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì hiện nay Luật quy định chữa cháy ở các tầng hầm là hệ thống chữa cháy tự động chủ yếu bằng nước, trong khi tầng hầm của các tòa nhà thường là nơi để xe có chất dễ cháy là xăng dầu, như vậy việc chữa cháy bằng nước ở các tầng hầm là không phù hợp. Về vấn đề thoát hiểm ở các nhà cao tầng, ông Đỗ Đông Phần kiến nghị:



Tại buổi góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, trước hàng loạt các vấn đề bất cập được nêu ra, ngoài việc góp ý cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC, các góp ý còn kiến nghị đến những bất cập liên quan đến 16 điều khác của Luật PCCC. Tiếp nhận các góp ý, bà Võ Thị Dung- Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã cho rằng việc xem xét để kiến nghị sửa Luật PCCC một lần nữa là cần thiết.


Luật PCCC đưa vào thực hiện hơn 12 năm qua nhưng nhiều quy định của Luật khi áp vào thực tế thì lại nảy sinh nhiều vướng mắc. Theo dự kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 lần này, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC sẽ được Quốc hội thông qua. Đây là dịp những hạn chế bất cập của Luật PCCC được Quốc hội xem xét một cách thấu đáo, từ đó có sự chỉnh lý cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần đảm bảo tốt hơn tình hình an toàn về PCCC trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.