Muốn “bút” sáng thì lòng phải trong

(VOH) - Một nền báo chí lành mạnh phải bắt đầu từ đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Tuân giữ đạo đức nghề báo là một trong những quy tắc quan trọng cần có của người làm báo.

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các cơ quan báo chí ở nước ta đang bị đặt vào môi trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều cạm bẫy. Một nền báo chí lành mạnh phải bắt đầu từ đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Tuân giữ đạo đức nghề báo là một trong những quy tắc quan trọng cần có của người làm báo, đặc biệt trong thời đại ngày nay.

Muốn “bút” sáng thì lòng phải trong

Tuân giữ đạo đức nghề báo là một trong những quy tắc quan trọng cần có của người làm báo, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Ảnh: baodongnai

Với sự bùng nổ về công nghệ trong thời đại cách mạng số hóa, ông Lê Tiền Tuyến - Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng người làm báo đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là báo chí truyền thống không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin, với truyền thông xã hội, bất cứ ai cũng có thể trờ thành nguồn phát tin, thể hiện qua mạng cá nhân hoặc tập thể, việc kiểm soát thông tin và xác định tính chân thực, tin cậy hơn khó khăn hơn. Thực tế này đòi hỏi cơ quan báo chí phải chú trọng đến tính trung thực trong thông tin trong báo chí, bên cạnh đó nhà báo phải thể hiện tính chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm công dân của nhà báo là điểm khác biệt của báo chí chính thống với mạng truyền thông: "Theo tôi người làm báo chân chính vẫn tự hào về chức năng xã hội giao phó cho mình. Một điều chắc chắn rằng mạng xã hội vẫn không thể thay thế báo chí chính thống, vì vậy công chúng vẫn luôn cần những tác phẩm báo chí chất lượng, khả tín, định hướng dư luận, chứ không chỉ là những bài viết chỉ để thỏa mãn trí tò mò và hiếu kỳ giật gân, câu khách. Công chúng luôn đòi hỏi người là báo có trách nhiệm, đưa thông tin hữu ích và chuẩn xác, cũng là đòi hỏi đạo đức người làm báo phải được rèn luyện, xem trọng lợi ích xã hội hơn cá nhân mình. Vì vậy chuẩn hóa đội ngũ và tôi rèn đạo đức cá nhân mỗi người làm báo ở từng cơ quan báo chí đang đặt ra bức thiết hiện nay".

Nói về đạo đức nghề báo theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cho rằng: để trở thành nhà báo giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, trình độ chính trị, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, rèn luyện đạo đức, phong cách, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân: "Trước tình hình mới, trong thời kỳ kinh tế thị trường, đất nước hội nhập, đòi hỏi nhà báo phải vươn lên, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, của công chúng. Nghề báo vất vả, gian truân, tốn nhiều thời gian, công sức và hiểm nguy nhưng cũng đầy vinh quang. Nhà báo, công chúng và tòa soạn chuyên nghiệp có trách nhiệm cùng tạo ra những sản phẩm báo chí có độ tin cậy cao, có ích cho con người, cho việc xây dựng đạo đức xã hội".

Theo ông Dương Vũ Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố, làm báo trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay đòi hỏi phóng viên, biên tập viên phải trang bị cho mình một "bộ lọc thông tin" tinh nhạy, chuẩn mực. Vì trong muôn vàn thông tin cập nhật liên tục trên các trang báo điện tử, trang mạng xã hội, nếu không biết phân loại, lựa chọn, người làm báo rất dễ rơi vào tình trạng chia sẻ thông tin thiếu chính xác. Hiện cả nước có trên 1.500  trang tin điện tử. Đây sẽ là kênh khai thác thông tin, đề tài phong phú cho những nhà báo có đạo đức, tư duy và năng lực. Ông Dương Vũ Thông lý giải: "Những trang mạng xã hội thì có nhiều chiều và có cả những thông tin không chính xác. Do vậy, nếu phóng viên cứ đưa nguyên thông tin đó lên báo chính thống thì đó là điều tai hại. Điều này yêu cầu phóng viên phải có bộ lọc. Mà bộ lọc quan trọng nhất đó là đạo đức nghề nghiệp. Nếu như có đạo đức, tư duy, có năng lực để phân biệt cái đúng, cái sai, thì kênh thông tin này rất quan trọng đối với phóng viên, đối với các báo khi thông tin ra bạn đọc".

Những sai phạm trong quy trình thực hiện thông tin thời sự của báo chí xuất phát một phần từ nguyên nhân do đội ngũ những người làm báo thiếu sự rèn luyện về bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, để nâng cao đạo đức của nhà báo thì các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn nữa trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo phải luôn quan tâm trau dồi tư tưởng, bản lĩnh chính trị và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, chuẩn mực đạo đức cơ bản của người làm báo cách mạng. Sự tự trọng và rèn luyện không ngừng của mỗi nhà báo sẽ góp phần giữ gìn uy tín của cơ quan báo chí và cho cả hệ thống báo chí phát triển lành mạnh.