Nâng cao trách nhiệm công dân khi góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(VOH) - Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và toàn diện: Góp ý kiến sửa đổi nội dung Hiến pháp 1992.

Ảnh: VNN

Theo ghi nhận từ các buổi triển khai nội dung góp ý cho đạo luật cơ bản của nhà nước, đó là một không khí trao đổi thẳng thắn, dân chủ, cởi mở và đầy tâm huyết của các nhà làm luật, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thể hiện tính nhân văn, hiện đại, tiếp thu, kế thừa thành tựu các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế tiến bộ của nhân loại.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, mặc dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng vấn đề quyền con người trong dự thảo vẫn còn mang tư tưởng ứng phó, nhất thời. Dự thảo chưa mở rộng khái niệm người Việt tại nước ngoài.

Trong tuần qua, nhiều bộ - ngành cũng đã tổ chức các hội nghị triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp 1992. Tại hội nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức, nội dung triển khai tập trung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 1/2 đến ngày 31/3. Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai sửa đổi bao gồm: Hội đồng Nhân dân, UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học; các tầng lớp nhân dân trên mọi miền cả nước. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến về các quy định của dự thảo Luật đất đai sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân và thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Sau quá trình lấy ý kiến, các đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả đóng góp ý kiến về dự thảo Luật đất đai sửa đổi của các cơ quan, tổ chức, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ Tài nguyên Môi trường trước ngày 5/4/2013.

Tại TPHCM, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chức sắc, nhà tu hành một số tổ chức tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đồng tình việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đề cập đến Điều 25 có nội dung liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, nhiều đại biểu đề nghị trong Hiến pháp sửa đổi nên quy định rõ hơn. Cụ thể về điều 25, đa số ý kiến các đại biểu đề nghị, Dự thảo nên thêm nội dung: Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo pháp luật, hiến chương, điều lệ của các tôn giáo đã được Nhà nước cho phép theo luật định; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện.

Đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ, nhiều đại biểu cũng cho rằng: Điều 11 và Điều 48 liên quan đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc rất quan trọng. Tuy nhiên, trong dự thảo khi nói vấn đề này mới chỉ nói đến nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân mà chưa đề cập đến quyền của người dân đóng góp ý kiến để bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc có nguy cơ bị xâm lăng. Lưu ý về công tác lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh:

Ngay từ bây giờ, các cá nhân, cơ quan, tổ chức, tập thể có thể đóng góp ý kiến về toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc về một hay một số nội dung cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Mọi ý kiến, thư từ góp ý cho nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, quý vị có thể gởi về tiết mục theo địa chỉ Tổ Bạn nghe Đài, Đài TNND TPHCM, số 03 Nguyễn Đình Chiểu quận I (ngoài bì thư ghi rõ Ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992); hoặc có thể gọi điện thoại góp ý qua hộp thư Bạn nghe Đài số 08.38291357.