Nâng chuẩn giáo viên mầm non, miễn học phí mầm non và trung học cơ sở

(VOH) - Đây là hai trong số các nội dung Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tại phiên họp chiều nay (8/11).

Chiều nay (8/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng có nhiều chính sách mới, quy định tại Điều 72 và Điều 97. Cụ thể, về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm đã phân tích phương thức đào tạo nâng chuẩn và nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo tính khả thi. Việc đào tạo nâng chuẩn sẽ gắn với việc đào tạo lại giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Chính sách không thu học phí

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập quy định tại Điều 97, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việc này sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa, trách nhiệm Nhà nước trong đảm bảo cung cấp sách giáo khoa cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, về Hội đồng và quy trình thẩm định bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.

Đối với chính sách ưu tiên phát triển nhân tài, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo nguyên tắc Nhà nước chăm lo cho giáo dục phổ thông đại trà; hỗ trợ học sinh yếu thế, có chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài.

Điều 61 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung quy định theo hướng trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này.

Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục phổ thông, quy chế tổ chức và hoạt động cho trường chuyên, trường năng khiếu