Ngoại thành TPHCM sau 38 năm đổi thay và phát triển

(VOH) - Vùng ngoại thành của TPHCM sau 38 năm đổi thay và phát triển, giờ đây đã từng bước vươn lên, phát triển toàn diện về mọi mặt. Có thể nói, để đạt được kết quả đó là nhờ vào sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã không ngừng nỗ lực, kiên trì và sáng tạo để giúp người dân nông thôn thành phố từng bước đi lên, xây dựng cuộc sống phồn vinh bằng chính đôi tay và nghị lực của mình.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đến nay đã 38 năm trôi qua, vùng ngoại thành thành phố từng bước vươn lên, phát triển toàn diện.

Ngày càng có nhiều căn nhà mới được xây dựng kiên cố trên xã đảo Thạnh An. Ảnh: Nhân dân

Ông Bùi Hòa An - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè bồi hồi kể lại, những ngày đầu sau giải phóng, toàn huyện chỉ có 20 km đường bộ với vài cây cầu sắt bắc tạm, các xã phía Nam hầu như không có đường bộ. Sản xuất độc canh cây lúa một vụ, năng suất thấp lại hay mất mùa thường xuyên, đã có trên 30% hộ dân của huyện thiếu đói lúc giáp hạt, điện, nước sinh hoạt thiếu thốn mọi bề. Thế nhưng với quyết tâm không chùn bước trước khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Nhà Bè kiên trì, sáng tạo, từng bước vượt qua thử thách để xây dựng huyện ngày một phát triển. Để đến nay sau 38 năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Những tuyến đường liên ấp, liên xã được nâng cấp mở rộng, hàng trăm cây cầu khỉ được bê tông hóa, 451/475 tuyến đường được trải nhựa hoặc bê tông hóa tạo điều kiện để người dân đi lại được dễ dàng. Cho biết những điểm nhấn tạo động lực cho Nhà Bè phát triển như hiện nay, ông Bùi Hòa An nói:

Bên cạnh sự phát triển hạ tầng giao thông, lưới điện quốc gia cũng dần được phủ rộng và đưa về những nơi xa xôi nhất thành phố. Đơn cử, đầu năm 2013 vừa qua, nhân dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ rất phấn khởi khi nguồn điện chính thức được phát 24/24 giờ. Điều này đã góp phần ổn định đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Trong niềm vui được sử dụng nguồn điện 24 giờ, anh Nguyễn Minh Phúc, một người dân trong xã bày tỏ:

Có điện, có đường, nông thôn thành phố dần chuyển mình cùng nhịp sống phố thị và cũng nhờ có điện mà cuộc sống của người dân các xã vùng ven thay đổi rõ rệt. Điện về đã giúp bà con mở mang kiến thức, nhờ việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông như Đài phát thanh và Đài truyền hình. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng những phương thức sản xuất mới theo đó được chuyển tải đến bà con một cách dễ dàng. Nhiều mô hình hay cùng cách làm mới được khai sinh và tạo thế đột phá cho từng địa phương. Bà Cao Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nói về những mô hình mới mà Củ Chi đã và đang tập trung mở rộng:

Một điểm tích cực khác trong những năm gần đây là chương trình xây dựng Nông thôn mới, cũng đem đến những giải pháp thiết thực cho định hướng phát triển lâu dài của các huyện ngoại thành. Qua chương trình này, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, đời sống của người dân nông thôn ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn thành phố ngày càng khởi sắc. Ông Nguyễn Minh Tâm, nông dân ở ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn phấn khởi nói về sự đổi thay của xã mình:

Nói về chuyện đổi thay ở khu vực ngoại thành thành phố, không thể không nhắc đến huyện Bình Chánh với những di tích chiến khu năm xưa. 38 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ huyện nghèo, Bình Chánh đã gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” sau khi đạt cột mốc thu ngân sách đầy ấn tượng này vào năm 2012 và tiếp tục phát huy thành quả trên trong năm 2013. Dấu ấn rõ nét nhất cho sự thay da đổi thịt của vùng đất phèn hoang hóa năm xưa chính là chương trình giảm nghèo. Từ một huyện nghèo của thành phố, huyện Bình Chánh nằm trong nhóm những địa bàn sẽ cơ bản hoàn thành chương trình giảm nghèo tăng hộ khá của thành phố trong năm 2013. Vài năm trở lại đây, Bình Chánh luôn thành công trong việc giúp khoảng 3.000 hộ thoát nghèo. Bà Lê Thị Nữ - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh cách thức và hai trọng tâm của công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bình Chánh:

Nhìn lại 38 năm đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài so với niên đại lịch sử của một quốc gia. Nhưng đó lại là quãng thời gian để người dân nông thôn thành phố sáng tạo, cần cù và chắt chiu để rút dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Và rõ ràng bằng ý Đảng, lòng dân cộng hưởng thành sức mạnh nội sinh để người dân nông thôn thành phố từng bước đi lên, xây dựng cuộc sống phồn vinh bằng đôi tay và nghị lực của chính mình. Và trong những ngày tháng 4 lịch sử này, kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, người dân nông thôn TPHCM lại có dịp nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, để soi rọi, đúc kết kinh nghiệm làm hành trang cho chặng đường phát triển đi đến cuộc sống sung túc, đất nước phồn vinh./.