Nhớ Bác, nghĩ về hình ảnh người công bộc của dân

(VOH) - Đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở có vai trò quan trọng, bởi họ là những người trực tiếp đưa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên phải là công bộc, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Lực lượng cán bộ tại các cơ quan phường - xã, quận - huyện của TP.HCM trong nhiều năm qua, đã tích cực thực hiện lời dạy của Bác bằng những việc làm rất thiết thực và hiệu quả.

Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân …Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh…”. Nhìn lại lịch sử những năm tháng gian khổ trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, biết bao tấm gương cán bộ, Đảng viên đã quên mình vì nước vì dân. Ngày nay, thấm nhuần lời dạy của Bác, các cán bộ, công chức càng phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã làm những việc có lợi cho dân hay chưa, đã xứng đáng với vai trò, vị trí “công bộc” của dân hay chưa.

Cán bộ, công chức tại các cơ quan công quyền phường - xã, quận - huyện luôn là bộ phận quan trọng, gần dân nhất. Những người “công bộc của dân” ngoài việc trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước,  đồng thời cũng là người trực tiếp giải quyết mọi công việc liên quan tới người dân như dân sinh, dân quyền, dân trí… Bởi vậy, một khi những công bộc đó mà xa dân thì xem như đó là một trở lực lớn ngăn cản sự phát triển của đất nước.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ công chức tại các cơ quan công quyền của TP.HCM đã có sự chuyển biến tích cực về thái độ làm việc, tác phong khi tiếp dân. Điển hình là khoảng giữa năm 2011, Ủy ban nhân dân Quận 1 đã tiến hành đặt máy để người dân chấm điểm cán bộ, công chức. Mỗi tháng có khoảng từ 1.000 đến 3.000 ý kiến của nhân dân đóng góp cho đội ngũ cán bộ, công chức của quận. Nhờ đó, khâu cải cách hành chính ở quận 1 được chỉnh đốn kịp thời và được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Từ cách làm hay của UBND quận 1, nhiều quận - huyện, phường - xã của thành phố đã tích cực thay đổi lề lối làm việc. Trên gương mặt các cán bộ, công chức cũng đã xuất hiện nhiều nụ cười hơn, gần dân hơn, khiến người dân bớt đi nỗi lo khi đến cửa cơ quan công quyền.


Người dân nhận xét cách giải quyết hồ sơ của nhân viên UBND quận 1 bằng hệ thống điện tử. Ảnh: SGGP.

Chia sẻ với chúng tôi về sự chuyển biến tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, ông Võ Minh Lâm - Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông, Quận 12 phấn khởi cho biết:

Đến với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, có thể dễ dàng nhận thấy thái độ làm việc vô cùng thân thiện của các cán bộ, nhân viên nơi đây. Với đặc thù là thường xuyên tiếp xúc với kiều bào, đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ quan luôn tự nhắc nhở mình phải ghi nhớ lời dạy của Bác về hình ảnh người công bộc của dân. Một nụ cười trên môi, một thái độ ân cần, hòa nhã cũng đủ để kiều bào thêm ấm lòng khi trở về quê hương, đồng thời để lại ấn tượng đẹp về người cán bộ, công chức thành phố. Bên cạnh việc thay đổi phong cách làm việc như lời dạy của Bác, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố còn vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác chuyên môn. 

Cụ thể, thấm nhuần lời dạy về Đại đoàn kết dân tộc của Bác, Phòng Văn hóa Thông tin Xã hội của cơ quan là một trong những cầu nối gắn kết kiều bào xa xứ thông qua việc phụ trách trang tin điện tử và bản tin giấy. Đặc biệt, Phòng đã tổ chức thành công nhiều đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ bà con kiều bào, tổ chức trại hè gắn với việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ kiều bào tìm về cội nguồn truyền thống dân tộc. Năm 2012, Phòng Văn hóa Thông tin Xã hội của cơ quan đã vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua yêu nước của thành phố.

Trao đổi với chúng tôi về những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết:

Trước đây, bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan công quyền, thì các cán bộ y tế luôn bị đánh giá là thiếu thân thiện với người dân. Nhưng thời gian gần đây, có thể thấy thái độ tiếp xúc với người dân của các cán bộ y tế đã có sự chuyển biến tích cực.

Đến khoa Chăm sóc giảm nhẹ thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chúng tôi nhận thấy một không khí ấm áp, chan hòa giữa các y bác sĩ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thành lập từ tháng 1/2011, khoa Chăm sóc giảm nhẹ có chức năng, nhiệm vụ chính là chăm sóc cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, do đó tất cả các bệnh nhân của khoa đều có tiên lượng tử vong dưới 6 tháng. Thấu hiểu nỗi đau thể xác cũng như tinh thần của bệnh nhân khi phải gánh trọng bệnh, tập thể y bác sĩ của khoa Chăm sóc giảm nhẹ đã cố gắng hết sức để xoa dịu phần nào cho những ngày tháng cuối đời của bệnh nhân. Ngoài những công việc chuyên môn như kê đơn, phát thuốc, khám vết thương… các y bác sĩ của khoa còn kiêm thêm vai trò là người bạn để an ủi, sẻ chia tinh thần với bệnh nhân, thực hiện đúng tinh thần “Lương y như từ mẫu” mà Bác đã dạy. Đến nay, chỉ sau 2 năm hoạt động, khoa đã được Sở Y tế trao bằng khen về học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thạc sĩ - Bác sĩ Quách Thanh Khánh - Phó trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thân tình chia sẻ:

Tháng 5 về lại nhắc chúng ta nhớ đến hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, Người đã sống một cuộc đời giản dị, thanh cao, hy sinh tất cả hạnh phúc riêng của mình để đem mùa xuân về cho đất nước. Lời dạy của Bác về hình ảnh người công bộc của dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khách quan mà nhìn nhận thì đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, bên cạnh những mặt mạnh vẫn còn hạn chế về trình độ, kỹ năng quản lý, chậm đổi mới tư duy và phong cách làm việc để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ công chức còn tỏ thái độ thiếu thân thiện, quan liêu, cửa quyền với người dân. 

Vì vậy, nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ công bộc của nhân dân là yêu cầu bức thiết hiện nay. Để dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trước hết phải có những công bộc thật sự “thấy lợi cho dân thì hết sức làm, thấy hại cho dân thì hết sức tránh” như lời Bác Hồ đã dặn. Có vậy, nước ta mới sớm vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ lúc sinh thời hằng mong muốn.