Nhớ Tết quê xưa

Người Việt thường nói “ăn Tết”, nên lẽ đương nhiên là chuyện sắm sửa, ăn uống ngày Tết là phần quan trọng trong 3 ngày Tết 7 ngày xuân. Nhưng không chỉ có thế, Tết đối với mỗi người Việt Nam còn là dấu ấn khó phai về văn hóa, tập tục và truyền thống của các vùng miền trên khắp đất nước, để cứ mỗi dịp Tết về, nỗi nhớ cứ lao xao trong lòng người đi xa.
Tết đúng nghĩa ra chỉ có 3 ngày, nhưng ở các miền quê Nam bộ, không khí Tết đã rục rịch từ ngày cúng đưa Ông Táo về trời 23 tháng chạp Âm lịch. Sau lễ cúng này, thì thú vị nhất là những phiên chợ cuối năm. Trên khắp các nẻo đường quê, các bà, các mẹ, các dì, các chị luôn rộn ràng chuyện sắm sanh ngày Tết.
 
“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”

 
Phong tục của người Miền nam thường quây quần gói bánh tét trong ngày Mùng 1 hoặc Mùng 2 Tết.Ảnh minh họa-Internet.
Bốn câu thơ của tác giả Đoàn Văn Cừ tái hiện bức tranh Tết quê thật dung dị nhưng cũng thật hữu tình. Đây cũng là lúc mọi người dẹp bỏ mọi lo toan, người toan tính nhất cũng trở nên hào phóng. Mua là mua những thứ ngon nhất, đẹp nhất, dù giá có đắt hơn ngày thường đôi chút cũng chẳng mấy ai bận tâm. Vì Tết mà! cốt sao được những món hàng tốt nhất để sử dụng trong mấy ngày đầu năm. Giàu hay nghèo thì ngày 30 Tết cũng thịt heo trong nhà. Cái Tết của người dân Nam bộ với nồi thịt kho tàu, vại dưa hành, dưa giá là không thể thiếu. Để Tết đủ đầy cả về mặt tinh thần thì nhánh mai vàng, rồi mâm ngũ quả gồm các loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và chùm trái sung…là không thể thiếu trong cái Tết của người dân Nam bộ.

Tết quê trong ký ức tuổi thơ tôi là những lần quây quần cùng gia đình, mỗi người một tay gói bánh Tét. Trước Tết ít hôm, mấy anh em ra vườn chọn những tấm lá chuối to nhất, lành lặn nhất rồi dùng câu liêm móc đem về sân nắng phơi. Khi tấm lá trở nên héo và dai hơn thì được xẻ ra từng miếng vuông lớn. Với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình, cộng với những nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn sàng như nếp, thịt, đậu xanh, thành phẩm cuối cùng là những đòn bánh tét tròn đều tăm tắp. Đêm đến, trẻ con lại ríu rít quây quần bên bếp lửa bập bùng chờ bánh chín. Bọn trẻ con vốn hiếu động, tận dụng những thứ nguyên liệu còn sót lại cũng tập tành gói những chiếc bánh nhỏ xíu với đầy đủ nếp, nhân đậu và thịt heo. Chiếc bánh đôi khi chẳng rõ ra hình gì, nhưng đó lại là những chiếc bánh được “canh me” vớt ra đầu tiên để thưởng thức trong niềm phấn chấn rộn ràng.
Mùng một Tết, nắng vàng như trải mật trên các nẻo đường quê. Tết đến trẻ em như lớn lên thêm, còn người già thì như trẻ lại, vui mừng con cháu đoàn viên. Xen lẫn trong những bữa tiệc đầu xuân là những lời chúc tốt lành, may mắn đến với người thân và bạn bè và câu chuyện hàn huyên về những vui buồn một năm qua trong làm ăn sinh sống. Mùng 1 Tết cha, nên không chỉ trẻ con được lì xì, mà người già còn được cháu con mừng tuổi. Không câu nệ chuyện nhiều hay ít, đây là dịp con cháu thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, mẹ cha. Với những bậc cao niên đã quy tiên thì ba mươi Tết con cháu cúng đón ông bà về, sáng mùng 3 cúng tiễn ông bà đi. Trong 3 ngày Tết, đều đặn một ngày hai cữ cúng, coi như ông bà đã góp mặt trong nhà ăn Tết cùng cháu con.

Nam bộ “đất lành chim đậu” thu hút ngày càng nhiều cư dân các vùng miền Tổ quốc đến lập nghiệp, mưu sinh, đem theo cả những tập tục văn hóa của nhiều vùng quê. Phong tục Tết vì thế ít nhiều cũng có sự giao thoa làm phong phú thêm nét văn hóa Tết Nam bộ ngày nay. Xa quê đã bao năm, nhưng mỗi lần Tết đến lòng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc bâng khuâng nhớ quê nhà và ký ức thời trẻ con vô tư đến mức cứ mỗi lần Tết qua đi thì tiu nghỉu, rồi lại đếm ngược thời gian mong chờ Tết nữa.
Tết quê xưa, mỗi vùng miền là mỗi vẻ đẹp thật đậm đà phong vị. Tết cổ truyền đã làm nên bản sắc và bề dày văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, nên dù có đi đâu ta cũng nhớ về./.