Những "vầng trăng khuyết" tỏa sáng

(VOH) - Kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, sáng nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Phụ nữ khuyết tật với chủ đề “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”.

Ngày hội nhằm động viên, chia sẻ với các chị em phụ nữ khuyết tật vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhiều người sinh ra và lớn lên không may khi cơ thể bị khuyết tật. Trong hoàn cảnh đó, có người thì buông xuôi số phận, mặc cảm với mọi người xung quanh nhưng trái lại có rất nhiều người đã không chịu đầu hàng số phận, từ buông xuôi, có thái độ bi quan trong cuộc sống họ vươn lên thành những con người có ích cho xã hội.

VĐV điền kinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm

VĐV điền kinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm.

Với cô gái khiếm thị Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm, năm nay 22 tuổi, dù không lành lặn như bao người, nhưng Quỳnh Trâm vẫn luôn tự tin cố gắng trong cuộc sống. Cô từng tham gia Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật) lần thứ 9 tại Kuala Lumpur và đạt 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Và năm ngoái Quỳnh Trâm còn xuất hiện ở tập 4 vòng Tinh hoa của Thần tượng Bolero, cô gái khiếm thị sinh năm 1995 này trở thành hiện tượng đặc biệt. Chất giọng ngọt ngào qua ca khúc “Hát nữa đi em” làm khán giả xao xuyến.

Quỳnh Trâm, sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh không mấy khá giả, gồm 7 thành viên: bố, mẹ và 5 chị em cô, sống tại quận Tân Phú. Mẹ cô hiện đang làm giúp việc nhà thời vụ, bố cô là tài xế chuyên chở khách trên các tuyến đường dài về miền Tây. Lớn lên với bóng tối, Quỳnh Trâm luôn tự nhủ bản thân phải không ngừng nỗ lực. Suốt 12 năm học phổ thông, thay vì học ở trường khiếm thị, cô chọn học chương trình đào tạo dành cho một người bình thường. Quỳnh Trâm hiện là một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp.

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, cô gặt hái được nhiều huân chương, giải thưởng uy tín cả trong và ngoài nước. Quỳnh Trâm khiến nhiều người xúc động khi cho biết dù không may mắn có được đôi mắt sáng nhưng bù lại cô vẫn luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Quỳnh Trâm cho biết rất hạnh phúc vì những cố gắng của mình được bù đắp một cách xứng đáng.

Hiện nay, Trâm vẫn chưa được tham gia các giải thi đấu lớn mang tầm cỡ quốc tế. Nên Trâm cho biết sẽ cố gắng tập nữa, tập tiếp để tham gia những giải thi đấu đó. “Khó khăn của người khiếm thị tham gia thể thao là mình phụ thuộc vào người dẫn đường. Trong quá trình tập luyện khi chạy nhiều quá thì đầu bị choáng va vào chướng ngại hay va vào người khác”, Trâm nói.

Tính đến nay, Quỳnh Trâm đã có 11 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật với vô số tấm huy chương lớn nhỏ. Trong đó, đáng tự hào nhất là 5 chiếc huy chương Para Games.

Để thích nghi được với bộ môn đòi hỏi sức khỏe cao như điền kinh, có những lúc chấn thương, hay chỉ vì đơn giản do mất thị lực nên Quỳnh Trâm thường xuyên té ngã do vấp rào. Tuy nhiên, cô gái trẻ cho biết cô tham gia thể thao ngoài đam mê thì vẫn còn một lý do khác, đó là phụ giúp kinh tế cho gia đình.

Cũng là người khuyết tật, nhưng không đầu hàng với dị tật liệt 2 chân từ lúc mới sinh, anh Nguyễn Văn Quân và vợ là chị Đặng Mỹ Trang (bị câm điếc bẩm sinh), đã vươn lên để học nghề kết cườm làm kế sinh nhai. Dưới bàn tay khéo léo, sáng tạo của 2 vợ chồng, nhiều mẫu giỏ xách, túi đeo, bình hoa đủ màu sắc được kết từ cườm. Không chỉ tự mày mò, sáng tạo nhiều mẫu hoa đẹp, anh chị còn dạy nghề miễn phí cho phụ nữ cùng cảnh ngộ của huyện Củ Chi.

Anh Nguyễn Văn Quân cho biết những người cùng cảnh ngộ như anh để có một công việc làm thì rất khó khăn. Vì vậy, với nghề kết cườm vợ chồng anh đã chia sẻ với người khác để giúp họ giao nguyên vật liệu cho họ làm rồi thu lại những sản phẩm đó đem bán. “Thu nhập cũng không ổn định lắm, tầm, 3 - 4 triệu/ tháng”, anh Quân chia sẻ.

Nhắc đến cơ sở kết cườm của vợ chồng chị Trang và anh Quân, bà Nguyễn Thị Thanh Diệu, Phó Chủ tịch HLHPN huyện Củ Chi, cho biết hộ của anh chị được Hội Phụ nữ cho vay 10 triệu đồng, cặp vợ chồng trẻ không những tự chăm lo cho bản thân và con cái mà còn nhận dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật để góp phần tạo công ăn việc làm cho họ.

Bà Diệu cho biết thêm Quân cũng có khiếu thể thao là chơi cờ vua, từng tham gia thi đấu cấp TP và đã đoạt giải. Dù hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc kết cườm hai bạn còn dạy lại cho những người khác và ở nhà còn trồng lang, nuôi bò…

Vợ chồng anh Quân, chị Trang (Áo xanh và hồng).

Tại ngày hội, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết, chương trình này nhằm gửi gắm những thông điệp sâu sắc về "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam và toàn xã hội. Vẻ đẹp trong sự đa dạng, không phụ thuộc vào một cơ thể hoàn thiện mà nằm ở nghị lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trí tuệ, sự tự tin khẳng định bản thân và những tài năng tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Khuyến khích người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, thêm tự tin thể hiện khả năng và nói lên tiếng nói của chính mình.

Người khuyết tật, dường như mỗi lần nhắc đến họ đều khiến chúng ta nghĩ đến ngay một nghị lực sống kiên cường, một tấm gương sáng, một ý chí vươn lên phi thường. Có khi ngay đến những người lành lặn cũng khó có thể đạt được những thành tựu như họ.