(Phần 3) Y tế cơ sở- Hành trình vượt khó tạo niềm tin

(VOH- Dù là buổi chiều nhưng không khí tại khoa khám bệnh của bệnh viện Tân Phú rất tất bật, từ bệnh nhân cho đến y bác sĩ. Các khoa, phòng khám mở cửa phục vụ bệnh nhân mọi nơi mọi lúc, kể cả khám bảo hiểm y tế- điều hiếm thấy ở bệnh viện tuyến trên.

(Phần 3) Y tế cơ sở- Hành trình vượt khó tạo niềm tin 1

Người dân quận Tân Phú ngày càng tin tưởng đến bệnh viện quận nhà, khỏi mất thời gian mà hiệu quả điều trị cao (Ảnh: Nhất Hương)

Tới bệnh viện quận nhà

Chị Phạm Mỹ An, ở Phường Tân Thới Hòa,quận Tân Phú, con bị sốt xuất huyết, gia đình tính đưa lên Nhi đồng 1 nhưng nghe nói tại đây cũng điều trị được nên đưa vào. Chưa đầy 30 phút có kết quả xét nghiệm cầm trên tay. 

“Cách làm việc ở bệnh viện Tân Phú nói chung hợp lý, trôi chảy, không ách tắc”, chị An đánh giá. 

Không chút thời gian thảnh thơi, vừa khám, bác sĩ Võ Văn Bẩy chia sẻ: "Mỗi ngày phòng khám khoảng 50 bệnh nhân. Ngoài việc mình hiểu bệnh của họ, họ muốn trò chuyện, chia sẻ thông tin từ bác sĩ về bệnh”.

Hàng loạt bệnh viện quận Bình Tân, Quận 2, Bình Chánh… đều khởi sắc, tranh thủ sự hợp tác từ bệnh viện tuyến trên, đưa kỹ thuật cao về quận nhà. Các khoa vệ tinh tại bệnh viện quận, huyện đồng loạt mở ra với sự liên kết tham gia của bác sĩ tuyến trên. 

Cụ thể, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình triển khai Khoa vệ tinh tại bệnh viện An Bình 100 giường, bệnh viện quận Tân Phú là 50 giường để điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Riêng khoa nhi vệ tinh phối hợp với bệnh viện Nhi đồng 1 quy mô 70 giường, đưa tổng số bệnh nhi tại bệnh viện quận Tân Phú tăng gấp 10 lần.

(Phần 3) Y tế cơ sở- Hành trình vượt khó tạo niềm tin 2

Xây dựng các bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh sẽ giúp giảm tải các bệnh viện tuyến trên (Ảnh minh họa: Nhất Hương)

Thay đổi ý thức học hỏi

Mô hình viện-  trường lần đầu tiên được áp dụng tại một bệnh viện quận khi Bình Tân làm cơ sở cho sinh viên y khoa Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đến học tập, thực hành lâm sàng. Số bệnh nhân ngày một tăng, trung bình hơn 3000 bệnh nhân/ngày, trong đó khoảng 300 bệnh nhi.

Số bệnh nhi được khám, số điều trị nội trú tại bệnh viện tăng 40%, chuyển viện giảm trên 15%. Các ca bệnh nhi sốt xuất huyết, tay chân miệng nặng hay tai nạn giao thông đều được cấp cứu, điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mười- giám đốc bệnh viện quận Bình Tân cho rằng, phải chịu khó học hỏi một cách khoa học. "Mình vay kỹ thuật qua sự hỗ trợ từ chương trình 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh. Mấy anh xuống bàn giao thì chúng tôi tự thực hiện trên đôi chân của mình, vậy mà thành công”.

(Phần 3) Y tế cơ sở- Hành trình vượt khó tạo niềm tin 3

Bệnh viện Quận 2  tích cực phối hợp với bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Nhi đồng 2 xây dựng Khoa vệ tinh (ảnh: yduc)

Tăng năng lực khám chữa bệnh

Nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý chuyển biến rõ khi trong bối cảnh cạnh tranh, tụt hậu đồng nghĩa với tự đào thải.

Bệnh viện Quận 2 tích cực phối hợp với bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Nhi đồng 2 xây dựng Khoa vệ tinh. Tín hiệu vui khi lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng hơn 30% so với trước.

Bác sĩ Trần Văn Khanh– giám đốc bệnh viện quận 2 chỉ ra điểm nổi bật chính là năng lực khám chữa bệnh: “Khoa vệ tinh ung bướu là điển hình với quy mô 150 giường nội trú, giảm tải cho khoa nội ung bướu của bệnh viện ung bướu. Bên cạnh đó là khoa nhi vệ tinh của Nhi đồng 2 cùng đại học Y dược, bệnh viện Mắt..”.

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP nhấn mạnh, hiệu quả điều trị là điểm cốt yếu: “Người dân rất quan tâm là mở khoa vệ tinh nào của bệnh viện tuyến trên và bác sĩ nào về đây khám. Ngoài việc truyền thông thì hiệu quả điều trị tự nhiên người bệnh lan truyền với nhau, họ an tâm đến với mình”.

Với nỗ lực đổi mới và vươn lên, y tế cơ sở đang dần khẳng định vị trí trong hệ thống y tế công, tạo dựng niềm tin cho người bệnh, góp phần không nhỏ giảm quá tải cho ngành y. Điều này  cho thấy một hướng đi đúng, nếu chịu khó nỗ lực, đặt mục tiêu vì người bệnh lên hàng đầu thì không có gì là không thể.