Quận 3: Xây dựng danh hiệu văn hóa bằng thực chất

(VOH) - Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là một trong những giải pháp then chốt mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hơn 10 năm qua, phong trào này đã lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước với nhiều cách làm, biện pháp và cùng hướng đến mục tiêu là đoàn kết xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống đẹp, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội ở địa bàn dân cư.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nội dung bao quát trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ở quận 3, việc thực hiện phong trào này tập trung vào xây dựng phường văn hóa - nay là phường văn minh đô thị. Trước khi xây dựng một danh hiệu văn hóa, quận đã chú trọng giải quyết những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân như về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh cảnh quan môi trường. Một điển hình thực hiện có hiệu quả phong trào này nhiều năm qua là phường 2 quận 3 - phường đã hai lần được công nhận danh hiệu văn hóa. Ông Mai Tấn Đạt - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 2, quận 3 cho biết kinh nghiệm trong xây dựng và giữ vững danh hiệu văn hóa của phường:

Đến nay, 14/14 phường của quận 3 đã được công nhận là lành mạnh, không còn ma túy, mại dâm. Tháng 8 năm 2013 vừa qua quận 3 cũng đã được công nhận không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới. Đó là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa bàn dân cư. 

Với quan điểm là các danh hiệu văn hóa phải thực chất, quận 3 không chạy theo số lượng mà đi vào việc duy trì và nâng cao chất lượng các Khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, các đơn vị, điểm sáng văn hóa. Do đó, việc bình xét các danh hiệu này luôn được làm công khai, dân chủ từ các cấp. 

Nếu năm 2012 quận có 58/63 khu phố đạt chuẩn khu phố văn hóa, thì qua công tác xét duyệt, đến nay chỉ còn 57/63 khu phố đạt chuẩn khu phố văn hóa. Các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, "Điểm sáng văn hóa" được công nhận hằng năm cũng rất hạn chế. Ở mỗi phường cũng chỉ có vài ba trường hợp được công nhận gia đình văn hóa mỗi năm. Theo bà Nguyễn Ngọc Trang - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 3: việc tuyên truyền các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không làm dàn trải, chung chung mà ở từng thời điểm và từng địa bàn dân cư, nội dung tuyên truyền luôn có những trọng tâm trọng điểm khác nhau.

Nhờ đi vào thực chất và giải quyết được những tồn tại bức xúc của người dân, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở quận 3 ngày càng được nhiều người dân đồng tình. Là một trong những điểm sáng văn hóa mới được công nhận, Bà Nguyễn Tuyết Mai - chủ quán cà phê ở địa chỉ 124/1 đường Cao Thắng phường 4 quận 3 cho biết:

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở quận 3 cũng còn một số hạn chế nhất định. Nhất là vấn đề vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa đảm bảo. Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vẫn còn diễn ra. Một bộ phận người dân chưa quan tâm đến thực hiện phong trào. Việc xây dựng “cơ quan - đơn vị văn hóa” chưa có sự hưởng ứng của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ở địa bàn dân cư vẫn còn lối sống thực dụng của một số thanh niên. Đó thực sự là những thách thức đòi hỏi Ban chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở quận 3 cần phối hợp tốt với các đoàn thể để có những mô hình, cách làm hay hơn, hiệu quả hơn.

Văn hóa không phải là một khẩu hiệu, không phải cứ treo biển văn hóa lên là có văn hóa, mà quan trọng là ý thức và hành động của mỗi người dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất thì rất cần sự góp sức của cộng đồng. Bởi lẽ, người dân là chủ thể kiến tạo nên văn hóa và cũng là đối tượng thụ hưởng môi trường văn hóa do chính mình tạo ra.


Lễ đăng ký xây dựng Phường Văn hóa tại Phường 7, quận 3 - Ảnh: Quan3.hcmcity