Quận 5 - Điểm sáng trong công tác giảm nghèo, tăng hộ khá

(VOH) - Từ lâu, TPHCM đã được xem là địa phương đi đầu cả nước trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và cũng là điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo khi liên tục có nhiều quận công bố không còn hộ nghèo. Để đảm bảo hoàn thành chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 vào cuối năm 2013, nhiều quận, huyện của thành phố đã có những giải pháp phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn dân cư. Trong đó, quận 5 là một trong những quận điển hình với những cách làm hiệu quả, đưa người dân thoát nghèo bền vững, căn cơ.
 Ông Sử Ngọc Anh - Bí thư Quận ủy quận 5 tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích trong công tác giảm nghèo - tăng hộ khá năm 2012 (ảnh UBNDQ5)

Là một quận nội thành có hơn 35% dân cư là người Hoa, mới đây quận 5 đã trở thành quận thứ 2 của TPHCM hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm. Đó là một thành công rất đáng khích lệ, khi biết rằng vào năm 2009, toàn quận có đến 4% số hộ dân thuộc diện nghèo, với trên 7.500 nhân khẩu có mức thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống.

Từ những kinh nghiệm trong thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 1 và 2, lãnh đạo quận 5 xác định để giảm nghèo bền vững, phải triển khai thực hiện nhiều giải pháp đa dạng như: hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Từ đó, quận đã chỉ đạo 15 phường khảo sát, phân loại, nắm chắc mức sống, điều kiện sống, lao động việc làm của hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Hiện nay, toàn quận có 57 Tổ tự quản giảm nghèo tại 15 phường với hơn 1.600 thành viên, vận động được 100% hộ nghèo tham gia sinh hoạt tổ. Thông qua sinh hoạt định kỳ, thường xuyên, Tổ tự quản giảm nghèo đã góp phần nắm bắt hoàn cảnh và đề xuất giúp hộ nghèo tham gia các hoạt động cộng đồng, thể hiện tình làng nghĩa xóm, người có kinh nghiệm thì hỗ trợ về phương thức làm ăn để vươn lên cùng vượt khó. Bên cạnh đó, quận cũng sử dụng hiệu quả nguồn quỹ “Xóa đói giảm nghèo” của địa phương, với hơn 1.700 hộ được xét duyệt cho vay tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng.



Hơn nữa, thấu hiểu mục tiêu thoát nghèo bền vững là phải trao cho người nghèo “chiếc cần câu” chứ không phải chỉ cho “con cá”, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người nghèo luôn được Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá quận 5 chú trọng thực hiện. Đến nay, đã có trên 1.200 lượt lao động thuộc diện hộ nghèo được giới thiệu việc làm, trong đó có 443 lao động được giải quyết việc làm và 150 người có công việc ổn định. Song song đó, quyết tâm giảm nghèo của quận còn nhận được sự đồng lòng từ các tổ chức, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, thông qua các chương trình hiệu quả như: cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo” của UB MTTQ quận, ngày hội “Thu đồ cũ trao tặng quà cho người nghèo” do Đoàn Thanh niên tổ chức, Liên đoàn Lao động quận với chương trình “Mái ấm Công đoàn”, Hội Phụ nữ quận với chương trình xây dựng “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” … Có thể nói, sự đồng thuận, hưởng ứng của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận đã “góp gió thành bão”, tác động nhiều chiều đến thành công của chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của quận 5. Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo của quận, bà Đặng Thị Minh Phượng - Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ quận 5 cho biết:




Còn tại phường 12, quận 5, một trong những điển hình trong công tác giảm nghèo, tăng hộ khá thì sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể, Ban vận động khu phố luôn được đề cao. Chính vì thường xuyên có sự trao đổi, bám sát địa bàn, nên Ban giảm nghèo, tăng hộ khá của phường 12 luôn kịp thời xử lý các sự việc phát sinh. Bà Lê Thị Loan - Chủ tịch UBND phường 12, quận 5 đúc kết một số kinh nghiệm:



Bên cạnh sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể quận, thì sự tự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong thành công của chương trình giảm nghèo ở quận 5. Đơn cử như gia đình bà Diệp Lệ Nguyên, ngụ tại phường 5. Từ một hộ nghèo với mức thu nhập đầu người chỉ 11 triệu đồng/người/năm, quanh năm thiếu trước hụt sau vì phải lo ăn học cho hai con, chăm lo cho hai em chồng bị tâm thần, đến nay gia đình bà Nguyên đã thoát nghèo với mức thu nhập bình quân trên 19 triệu đồng/người/năm, vượt chuẩn cận nghèo của TPHCM. Bà Diệp Lệ Nguyên chia sẻ:




Thành công của quận 5 trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quyết tâm, đồng lòng, sự linh hoạt, sáng tạo của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội. Tuy vậy, trong thời gian tới, để kết quả trên được duy trì và phát triển thì việc quan tâm chăm lo cho hộ cận nghèo cần phải được chú trọng hơn nữa để tránh tái nghèo. Ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM nhấn mạnh:



Theo Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, tính đến nay, thành phố còn khoảng 38.000 hộ nghèo (chiếm 2,1% tổng số hộ dân thành phố) có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, giảm hơn 122.000 hộ nghèo so với năm 2009. Dự kiến cuối năm 2013, thành phố sẽ kéo giảm còn dưới 1% số hộ nghèo và kết thúc sớm chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 trước 2 năm so với kế hoạch. Trong giai đoạn từ 2014, thành phố sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới cho chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá với mức chuẩn nghèo dự kiến sẽ được nâng lên 16 triệu đồng/người/năm. Do đó, nhiều thách thức mới sẽ tiếp tục đặt ra cho quận 5 nói riêng và thành phố nói chung. Nhưng chắc chắn từ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, quận 5 sẽ tiếp tục giữ vững vị trí đi đầu trong công tác giảm nghèo, góp phần vào thành công chung của TPHCM trong mục tiêu giảm nghèo đa chiều./.