Quản lý sản xuất, tiêu thụ rượu thủ công chế tài xử phạt thế nào?

(VOH) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa 14, sáng 16/11, Quốc hội  thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu tập trung vào một số nội dung như tên gọi của Luật; các hành vi bị nghiêm cấm; độ tuổi uống rượu, bia; kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia… 

Đa số ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chủ động có giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn thực trạng sử dụng rượu, bia đang có xu hướng gia tăng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại điều 5 của Luật này, có ý kiến cho rằng quy định “cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức” tại khoản 2 Điều 5 chưa phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo (chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên) và Luật Thương mại (chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên).

Các đại biểu cho rằng cần điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phải cấm hành vi ép buộc người khác uống rượu bia chứ không chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi và cấm người dưới 18 tuổi uống rượu bia.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu nêu ý kiến: Tôi đề nghị sửa khoản 4 điều này "cho người dưới 18 tuổi sử dụng bia, ép buộc người khác uống rượu bia". Vì đối với người dưới 18 tuổi cần cấm uống rượu bia. Nếu chỉ cấm ép thì cho uống có được không?

Dựa theo kinh nghiệm trên thế giới, đại biểu Quàng Thị Vân, đoàn Điện Biên đề nghị nên quy định bán rượu bia theo giờ, cụ thể cấm từ sau 22h đến 8h sáng hôm sau vì đây là thời gian cơ thể cần được nghỉ ngơi thư giãn tránh kích thích thần kinh não bộ, thời điểm vàng các cơ quan nội tạng làm nhiệm vụ đào thải chất độc ra khỏi cơ thể…

Về quản lý rượu thủ công các đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo Luật nhưng cần đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính với lộ trình hợp lý nhằm tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thảo, đoàn Nghệ An cho rằng: Quản lý sản xuất tiêu thụ rượu thủ công chế tài xử phạt thế nào dự thảo luật chưa quan tâm đúng mức. Cho nên cần có quy định rõ ràng để điều chỉnh vì thực tiễn cho thấy rượu này chiếm tỉ lệ lớn, 74% người uống rượu sử dụng rượu này…