Quốc hội thảo luận về Luật Tố cáo

(VOH) - Sáng nay 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). 

Là dự án Luật được xem xét và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, Luật tố cáo (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung cơ bản: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo; bảo vệ người tố cáo; quy định về khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo và xử lý hành vi vi phạm.

Quốc hội , Luật Tố cáo,  Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14

Đoàn đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước.

Đại biểu Võ Đình Tín - Đoàn Đắc Nông nêu ý kiến: "Nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến việc tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm của những người tố cáo sai sự thật.

Nếu tố cáo đã được thực hiện thông qua thư điện tử, bản fax, điện thoại thì trong nhiều trường hợp khó xác định được người tố cáo là ai. Đồng thời cũng có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.

Hơn nữa tố cáo cán bộ công chức viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Tôi đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo mà giữ nguyên quy định hiện hành".

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay.

Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.

Quan tâm đến vấn đề tố cáo trực tiếp, đại biểu Vương Ngọc Hà - Đoàn Hà Giang đề xuất: "Tôi rất mong được bổ sung vào nội dung này là địa chỉ để tố cáo trực tiếp bằng lời nói thì nên là các cơ quan tiếp công dân theo quy định.

Tôi đề nghị như vậy vì tôi tin chắc những người tố cáo đúng đắn là vì động cơ vì đất nước vì xã hội và vì sự trong sạch của bộ máy Nhà nước nên từ cái động cơ đó sẽ thúc đẩy họ có hành vi tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật để giúp cho các cơ quan nhà nước nắm bắt được, giúp trong sạch bộ máy nhà nước, chứ không phải họ đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mình như trường hợp khiếu nại hay khiếu nại dẫn đến tố cáo…".

Theo các đại biểu, quy định của dự thảo Luật về bảo vệ người tố cáo đã có những bước phát triển lớn so với các quy định trước đây, đã làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tạo niềm tin, bảo đảm để người tố cáo yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình, góp phần vào việc đấu tranh các hành vi vi phạm, nhất là đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tranh luận về vấn đề bảo vệ người tố cáo và người xử lý tố cáo, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Quảng Bình nói: “Chúng ta có một chương bảo vệ người tố cáo nhưng chúng ta không có một chương nào bảo vệ người xử lý tố cáo và người vạch trần tố cáo.

Thực tế người tố cáo được giữ bí mật trong lúc đó người xử lý tố cáo và người vạch trần tố cáo lại không được giữ bí mật. Thực tế có những trường hợp báo chí vạch trần người bị tố cáo thì bị kẻ bị tố cáo tấn công, hoặc người xử lý người bị tố cáo thì cho là anh bị vu khống này khác…..”

Để nâng cao tính khả thi của dự thảo Luật về quy định bảo vệ người tố cáo, các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định để xác định rõ thế nào là tính có căn cứ để yêu cầu bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền quyết định biện pháp bảo vệ. Khoản 3 - điều 48 Dự thảo Luật quy định:

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại ngay tức khắc, hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử nơi công tác, nơi làm việc, do việc tố cáo, giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Tuy nhiên, để hiểu như thế nào là có căn cứ theo quy định trên đang còn là một vấn đề, quy định này chưa định lượng ở mức độ nào, những biểu hiện nào, những hành vi nào thì được coi là có căn cứ. Các đại biểu đề nghị cần phải rà soát, tiếp tục nghiên cứu bổ sung những tình huống, hành vi được coi là có căn cứ và đưa ra tiêu chí cho hành vi được coi là có căn cứ, để việc triển khai thi hành luật được đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).