Ra đi là để trở về

(VOH) - Cách đây đúng 102 năm- ngày 5.6.1911 từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi đó mới vừa tròn 21 tuổi với lòng yêu nước nhiệt thành, tình thương dân vô hạn và nghị lực phi thường đã bước chân lên chuyến tàu Amiral La Touche De Tréville, khởi đầu cho chuyến hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Bôn ba qua bốn châu lục với gần 30 nước trên thế giới, Người đã lao động, học tập, tham gia hoạt động của các tổ chức, phong trào cách mạng trên thế giới. Ba mươi năm sau, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Đối với mỗi người con dân tộc Việt Nam hôm nay, sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5.6.1911 mãi là mốc son lịch sử đáng tự hào. Đầu thế kỷ 20, khi đất nước chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã thấu hiểu thế nào là nỗi thống khổ của người dân sống trong cảnh nước mất, nhà tan. Với khát khao cháy bỏng “tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc”, Nguyễn Tất Thành mang chí lớn ra đi nhưng không phải để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình, gia đình mình, mà vì mong muốn cho cả dân tộc được hạnh phúc, ấm no. Trước lúc lên đường, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tâm niệm “tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Chính tâm niệm ấy nên ba mươi năm sinh sống ở nước ngoài, tư tưởng và hành động của Nguyễn Ái Quốc luôn hướng về Tổ quốc, đỉnh cao là vào năm 1930, Người đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam làm kim chỉ nam dẫn đường đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Bác Hồ tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920.

Ngày nay, với xu thế hội nhập toàn cầu, bao lớp thanh niên Việt Nam cũng đã lên đường đi ra nước ngoài để lao động, học tập mở mang kiến thức. Các chương trình du học tại các nước thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam với ước muốn lĩnh hội những kiến thức mới, công nghệ tiên tiến của thế giới. Tiếp thu những tinh hoa của nhân loại để trở về góp sức xây dựng quê hương là cách mà bao thế hệ người Việt Nam đã đi theo con đường của Bác. Không ít những tấm gương thành đạt trở về đã làm rạng rỡ non sông. Song, vẫn còn đó những cá nhân mang trong mình tư tưởng hẹp hòi, vọng ngoại, khi du học đỗ đạt trở về nước thì đặt ra câu hỏi “mình sẽ được gì”? Nếu không được đãi ngộ tốt thì rời bỏ quê hương đến xứ người để mưu cầu vật chất.
Nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển nhưng trước mắt vẫn còn không ít khó khăn. Nhớ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- chuyến đi khởi đầu cho một cuộc trường chinh vĩ đại vì sự nghiệp cứu nước cứu dân có tính cách mạng của một người thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần tích cực hơn trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Học Bác, thế hệ trẻ cần học từ tư tưởng đến hành động dấn thân, khát vọng cống hiến, hoài bão lớn lao, và trên hết là trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với vận mệnh của đất nước, non sông.
Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước chính là bài học soi đường cho thế hệ thanh niên hôm nay về lý tưởng sống, biết đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân mình. Mỗi thanh niên Việt Nam hôm nay đem trí tuệ và sức lực của mình cống hiến cho đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, chính là đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn và dẫn đưa dân tộc Việt Nam mãi mãi vững bước trên con đường độc lập tự do và hạnh phúc hòa bình.