Tai nạn lao động: Nỗi đau không ngừng tăng

(VOH) - TPHCM là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất nước, tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm, thu hút hàng triệu người lao động đến làm việc. Do đó, áp lực đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn là một bài toán khó đối với các cơ quan chức năng thành phố.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2013, đã ghi nhận có 420 vụ tai nạn lao động, làm chết 56 người và làm bị thương gần 400 người, trong đó nạn nhân là nữ chiếm tới 40%. Thiệt hại do tai nạn lao động là hơn 9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn lao động đã tăng 46% và số người chết tăng đến 40%. Như vậy, có thể thấy tình hình an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục diễn biến đáng lo ngại, khi mà số vụ và số người chết tăng mạnh. Theo thống kê, tai nạn trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao với 53% tổng số vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn do yếu tố điện là chủ yếu với tỷ lệ cao nhất: 38%, kế đến là do yếu tố ngã từ trên cao với tỷ lệ 25%.

Nhận định về nguyên nhân chính của xu hướng gia tăng đáng báo động trên, ông Huỳnh Tấn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết:

Trong số các tai nạn lao động gây ra chết người, ngành xây dựng luôn chiếm tỷ lệ hàng đầu. Theo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có đến trên 90% công trình dân dụng nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn, còn với các công trình lớn thì chưa đến 50% đảm bảo an toàn. Tại các công trường xây dựng, việc chấp hành công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ còn nhiều vi phạm đáng lo ngại như: không xây dựng phương án an toàn khi tổ chức thi công, đặc biệt là về vi phạm an toàn điện và an toàn thi công trên cao; nhiều thiết bị tự chế không được kiểm định, gây mất an toàn khi thi công; đơn vị tư vấn giám sát chưa kiên quyết đình chỉ thi công khi có nhiều yếu tố nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn lao động trong xây dựng... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc ký hợp đồng lao động, không có hồ sơ sức khỏe của người lao động, nhiều trường hợp trẻ vị thành niên vẫn vào công trường làm việc với những công việc quá sức. Hình ảnh thường thấy tại các công trường xây dựng là dù cao vài tầng hay vài chục tầng thì công nhân vẫn chỉ treo người bằng một sợi dây mỏng manh, xung quanh không có lưới đỡ. Các công nhân làm việc bên dưới thì người đội mũ bảo hộ, người không. Tại các vị trí nguy hiểm như mép sàn tầng, hố, cửa thang máy... thì không được che đậy cẩn thận; dây dẫn điện có nhiều mối nối để trên sàn; thiết bị điện không được kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng ….

Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong những năm gần đây là các minh chứng cho sự tắc trách đó. Có những gia đình đã phải rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng khi mất đi người lao động chính hoặc bị tàn phế suốt đời, như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hai, quê ở Đồng Tháp. Nhớ lại vụ tai nạn của mình, gương mặt anh Hai vẫn còn hiện rõ sự bàng hoàng, anh nói:

Theo kết luận của bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, anh Nguyễn Văn Hai bị phỏng điện - tia lửa điện với tỷ lệ 36% cơ thể. Trường hợp của anh chỉ là một trong số rất nhiều những hậu quả thương tâm do tai nạn lao động gây ra. Phải nhìn nhận rằng, thực tế có nhiều vụ tai nạn lao động là do sự bất cẩn, chủ quan của công nhân. Thế nhưng, phần lớn nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động là những lao động phổ thông. Hầu hết họ chấp nhận làm những công việc nặng nhọc hoặc trong môi trường độc hại, nhưng không được hưởng các chính sách về lao động; không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn; không được cấp thiết bị, trang phục bảo hộ.

Qua tìm hiểu từ những người lao động, chúng tôi được biết đa số họ khi kiếm được việc làm là đã hài lòng rồi, nên chẳng mấy khi họ dám đòi hỏi người sử dụng lao động phải trang bị bảo hộ cho mình. Hàng ngày, họ vắt hết sức lực ra cho công việc, nhưng khi gặp tai nạn thì chỉ có bản thân và gia đình gánh chịu hậu quả. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do làm ăn manh mún, vốn liếng chẳng có là bao nên cũng cố tình phớt lờ chuyện đầu tư trang bị an toàn lao động cho công nhân. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra thì rất cần có sự quan tâm, chăm lo của doanh nghiệp.

Hiện nay tuy không nhiều, nhưng cũng đã có những doanh nghiệp đang cố gắng đưa tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động vào thực tế làm việc. Ông Nguyễn Thanh Duy Hải - Phó Giám đốc An toàn của Công ty cổ phần Xây dựng số 1 (COFICO) chia sẻ kinh nghiệm về chính sách an toàn lao động của công ty:

Còn tại Công ty Viễn thông TPHCM hiện có 5.000 lao động, trong đó có khoảng 40% làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều kiện làm việc thường xuyên tiếp xúc với điện từ trường, điện cao áp... do đó, công ty đã phát động phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, thông qua đó đã xây dựng bộ tiêu chí thi đua, chấm điểm giữa các cấp đơn vị trực thuộc theo 5 nội dung và 29 thông số. Nhờ có phong trào này, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đã đi vào thực chất, qua 5 năm thực hiện đã góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ của đơn vị.


Công tác cứu hộ tại hiện trường một vụ tai nạn lao động - Ảnh: PNO.

Như vậy có thể thấy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không phải là quá khó để thực hiện, mà quan trọng là các doanh nghiệp có kiên quyết thực hiện hay không, có chịu cắt giảm lợi nhuận để đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động hay không? “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, tai nạn lao động là nỗi đau lớn nhất của người làm công. Chịu hậu quả trước hết chính là bản thân họ và gia đình, nhưng tai nạn lao động cũng để lại những gánh nặng rất lớn cho xã hội.

Dẫu biết vấn đề này không phải chỉ một sớm một chiều là có thể giải quyết được, nhưng có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong công tác thanh tra, xử phạt những sai phạm về an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó rất cần sự quan tâm từ phía những đơn vị sử dụng nhân lực, để nỗi đau do tai nạn lao động gây ra sẽ ngày một ít đi và không còn là nỗi ám ảnh của những người lao động.