Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái

(VOH) - Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 nhận định: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá 11 về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. 

Những hạn chế, khuyết điểm đó đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Cán bộ, Đảng viên kỳ vọng Nghị quyết Trung ương 4  khóa 12 có thể thanh lọc được bộ máy cán bộ của Đảng, Nhà nước, tạo được niềm tin trong Đảng, trong dân.

Nghe bài viết

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN.

Nghị quyết Hội nghị TW 4 khoá 12 đã nêu rõ 9 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ Đảng viên hiện nay.

Theo đánh giá của các cán bộ, Đảng viên, việc Trung ương xác định nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật… là một việc làm kịp thời để chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Ông Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Đó là thái độ rất thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, và như thế cũng là thể hiện bản lĩnh của Đảng khi dám thẳng thắn chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm trong nội bộ của mình, do chính nội bộ tạo ra. Ở đâu mà người đứng đầu đã sa vào suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, có chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng thì cơ quan đó, ngành đó, địa phương đó nhất định không thể phát triển được”.

Dẫn lời Bác Hồ từng nói: “Muôn việc thành công thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học Viện Báo chí Tuyên truyền, nhìn nhận khâu đánh giá cán bộ là một trong những khâu rất quan trọng mà nghị quyết Trung ương 4 đề cập,  trong đó, quy trình bố trí, bổ nhiệm, làm công tác cán bộ, vấn đề sắp xếp, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ cần có sự công tâm, khách quan.

“Khi đánh giá cán bộ đúng, sẽ có cán bộ tốt, cán bộ giỏi. Nếu đánh giá cán bộ không đúng, vô hình trung, làm cho hiệu quả công việc của chúng ta trì trệ. Người tốt, trung thực, giỏi, tâm huyết, nhiều khi chúng ta lại đánh giá không đúng, không phát huy được những mặt tích cực của họ. Ngược lại, những cán bộ yếu, kém, trong biểu hiện này, biểu hiện kia, họ che lấp những mặt yếu, kém của họ để rồi chúng ta sử dụng họ, điều này rất tai hại”, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, người cán bộ cần phải trải qua những thử thách trong công việc, từ đó có thể sàn lọc cán bộ. Trong đó, vai trò của cấp ủy trong việc nhìn nhận đúng năng lực của từng người là rất quan trọng.

Về việc thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, một bộ phận người làm báo thoái hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”, vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ và có một số biểu hiện vi phạm pháp luật, đang đặt ra cho công tác tuyên truyền, lý luận một nhiệm vụ cấp bách.

Ông Nguyễn Văn Đồng – đảng viên, nhà báo đã nghỉ hưu nêu ý kiến: “Nếu như công tác lý luận tư tưởng của Đảng ta đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cách mạng, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống hiện nay thì sẽ làm cho mỗi cán bộ đảng viên hiểu rõ hơn chủ nghĩa xã hội chúng ta xây dựng rõ như thế nào, và con đường đi lên tường minh như thế nào. Đó là cơ sở khoa học, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để cán bộ đảng viên tự tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”.

Cũng liên quan đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa, ông Bùi Huy Đức – cán bộ cách mạng lão thành ở quận Tân Bình cho rằng, cần phải mạnh dạn chỉ rõ những cá nhân, tổ chức nào trong Đảng đang có biểu hiện này: “Vấn đề là toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực, quyết tâm, trung thực thì mới mạnh dạn chỉ ra được những “con bệnh”. Chứ còn bây giờ có những người rõ ràng là “ung thư” nhưng họ vẫn bảo họ khỏe mạnh. Cho nên muốn có giải pháp đúng thì phải tìm ra được đúng đối tượng, tức là những người đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chứ không thể cào bằng được”.

Đề cập đến vấn nạn tham nhũng, ông Nguyễn Hữu Vạn, cán bộ hưu trí quận 1 nhìn nhận, trong năm qua, chúng ta đã làm rất quyết liệt, nghiêm minh, có bộ phân chuyên trách chống tham nhũng, có phòng chống tham nhũng, các cơ quan tố tụng, điều tra, tòa án đều hoạt động tích cực, rất nhiều vụ án lớn bị phanh phui. Tuy nhiên, ông Vạn nhìn nhận vẫn còn tình trạng tham nhũng nhiều nơi, nhiều ngành ngày càng tinh vi và phức tạp, đây là vấn nạn nhức nhối. Chính điều này đã làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng. Đất nước cứ thế mà nghèo đi vì nạn tham nhũng. Việc kê khai tài sản của cán bộ cũng chưa được làm một cách nghiêm túc.

Theo ông Vạn, con số 1 triệu người kê khai tài sản mà không có ai không kê khai trung thực là không chính xác: “Đảng đã từng nói rất nhiều lần về chất lượng Đảng viên như việc chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cán bộ đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng ngày càng nhiều, ở các cấp cáo hơn. Do vấn đề chống tham nhũng chưa được làm triệt để. Muốn làm được triệt để, có sự đồi thay, theo tôi, ngay từ Ban Bí thư Trung ương, từ Bộ Chính trị cần phải làm quyết liệt”.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 là bước chuyển động tích cực mang ý nghĩa đột phá về nhận thức, về tư duy lý luận của Đảng với ước nguyện và niềm tin duy nhất là để nâng cao năng lực lãnh đạo và tính chiến đấu của Đảng. Trong đó, xác định công tác cán bộ là then chốt. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm hiệu quả thì dân mới tin. Cán bộ có tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống trong sạch, làm gương cho mọi người, thì Nghị quyết mới có sức sống và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội.