Thanh tra xây dựng thành phố cần phát huy sức mạnh quần chúng

(VOH) - Sáng 29/7, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc trao đổi dự thảo “quy chế phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”.


Tháo dỡ một căn nhà xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh. Ảnh: X.Ngọc - Báo Pháp Luật TP.HCM

Trao đổi về dự thảo, đa phần các đơn vị quận huyện cho rằng: khi địa bàn phường, xã không còn lực lượng thanh tra xây dựng thì việc lập biên bản và chuyển đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt phải được quy định cụ thể, rõ ràng hơn để việc quản lý trật tự xây dựng được thống nhất, chặt chẽ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc này, cần xem xét tăng cường biên chế cho lực lượng thanh tra xây dựng. Một đại diện của quận Thủ Đức có ý kiến đề nghị: “Bây giờ thanh tra xây dựng địa bàn lập hồ sơ rồi chuyển toàn bộ hồ sơ cho phòng quản lý đô thị lập đề xuất ra quyết định xử phạt hay thanh tra Sở xây dựng lập toàn bộ hồ sơ này chỉ trình UBND quận huyện ký, cái này phải làm rõ, đề nghị thanh tra địa bàn quận huyện phải lập luôn đề xuất trình quyết định ký như hiện nay, chứ nếu không, cấp quận đâu có bộ phận làm cái này”.

Ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: việc xây dựng công trình không phép là trách nhiệm UBND phường, xã, tuy nhiên, mỗi xã hiện chỉ có từ 2 đến 3 cán bộ quản lý xây dựng, lực lượng mỏng, cán bộ địa chính sẽ làm không xuể. Do đó, giao cho lực lượng quản lý trật tự đô thị thêm một chức năng nữa là lập biên bản công trình xây dựng không phép là hợp lý. Ông Nguyễn Văn Tươi chia sẻ: "Bình Chánh cũng thống nhất việc xử lý các công trình xây dựng không phép là trách nhiệm của chủ tịch UBND phường xã, tuy nhiên nếu tăng cường lực lượng này thì tăng biên chế cho lực lượng địa chính, xây dựng thì rất khó. Chính vì vậy xin thành phố có cơ chế là giao cho đội quản lý trật tự đô thị thêm 1 chức năng nữa là lập biên bản công trình xây dựng không phép, khi đó lực lượng này vừa lập biên bản, vừa xử lý ngay từ đầu thì nó thuận lợi hơn".

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng yêu cầu: phải quy định rõ trong quy chế phối hợp, trình tự, thẩm quyền xử phạt các đơn vị liên quan, xử lý cán bộ vi phạm như thế nào? Phân tích rõ trách nhiệm của từng đơn vị: phường, quận, huyện. Sở Xây dựng phải có trách nhiệm đối với những công trình do sở cấp giấy phép, công trình sai phép phải quy rõ việc lập biên bản, hồ sơ xử lý là do sở xử lý. Trường hợp không phép: phường và xã chịu trách nhiệm chính, nhưng cần phải tăng thêm nhân sự, hoặc tăng thêm quyền hạn cho quản lý trật tự đô thị. Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm xây dựng tại các công trình cao ốc, thì nên để thanh tra Sở Xây dựng tham gia xử phạt. Bởi đây là lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ cao và đủ điều kiện thực hiện xử phạt, cưỡng chế. Về việc kỷ luật, cũng nên phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Và để thực hiện tốt việc phối hợp này cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật xây dựng cho người dân hiểu và phối hợp thực hiện, hạn chế việc xử phạt.
Làm rõ hơn nội dung dự thảo, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng trách nhiệm của các đơn vị có liên quan mang tính đan xen với nhau, do đó, dự thảo phối hợp chỉ tập trung vào nguyên tắc phối hợp chứ không đi sâu trách nhiệm. Tuy nhiên, các đơn vị phải có trách nhiệm lồng ghép với nhau trong quá trình phối hợp, ông Trần Trọng Tuấn cho biết thêm về việc phối hợp: "Đối với những công trình xây dựng không phép, mà không được tồn tại thì dứt khoát cơ quan công an không giải quyết đăng ký thường trú và tạm trú, còn với những công trình sai phép thì tùy mức độ có nghiêm trọng hay không thì tính toán thêm. Chúng ta không quy định chung chung là hễ vi phạm trật tự xây dựng thì không cho đăng ký, trong hợp đồng cung cấp nước thì không máy móc là tất cả các công trình xây dựng thì không cấp nước, mà đối với những công trình xây dựng không phép hoặc sai phép nghiêm trọng thì dứt khoát đề nghị là không cung cấp nước hoặc ngưng. Theo tôi thì thanh tra sở chịu trách nhiệm thanh tra, lập hồ sơ thủ tục theo quy định, nhưng chuyển cho ai ký thì phải theo thẩm quyền".

Kết luận buổi trao đổi, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM cơ bản đồng tình với các ý kiến đóng góp nhưng đề nghị: Thanh tra Sở xây dựng cần khơi dậy được phong trào quần chúng, phát huy sức mạnh nhân dân trong khâu phát hiện vi phạm là vấn đề then chốt, là giải pháp hiệu quả đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn. Phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp vi phạm trong xây dựng sẽ góp phần làm giảm thiệt hại về tiền của, thời gian của nhân dân, nhà nước. Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: 


Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Tín cũng đề nghị Sở Xây dựng thành phố sắp xếp lại bố cục, hoàn chỉnh lại nội dung dự thảo quy chế phối hợp cho chặt chẽ, để khi nhìn vào mỗi cá nhân liên quan có thể nhận biết ngay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Yêu cầu sau 10 ngày phải gởi dự thảo cho các cơ quan đơn vị liên qua đóng góp, thời hạn đóng góp dự thảo là 5 ngày, ban hành trong tháng 8. Sau đó, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm công khai nội dung quy chế phối hợp cho toàn dân, để người dân biết và cùng phối hợp thực hiện, khơi dậy được sức mạnh quần chúng nhân dân.