Thông xe cầu Cao Lãnh từ ngày 27/5

(VOH) - Đây là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mekong.

Dự án cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp, được khởi công tháng 10/2013.

Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 2 km, nhịp chính dài 350 m, nhịp thông thuyền 37,5 m, chiều dài mỗi nhịp biên là 150 m, tháp dây văng cao 123 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m. Cầu có bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Dự án có tổng mức đầu tư 145 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỉ đồng), sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc và vốn vay của ADB.

Đến thời điểm này, toàn bộ công tác thi công dự án đã hoàn tất, đảm bảo điều kiện để khánh thành, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Đây là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mekong.

Thông xe cầu Cao Lãnh từ ngày 27/5

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thời điểm hoàn thành các hạng mục cuối cùng. Ảnh: PLO

Theo ông Trịnh Duy Hải, cán bộ phòng quản lý dự án cầu Cao Lãnh thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư dự án), cho biết các đơn vị thi công sẽ kiểm tra an toàn kỹ thuật cầu trước ngày thông xe.

Ông Hải cũng cho biết thêm: "Vào buổi tối sẽ mở đèn chiếu sáng mỹ thuật chiếu lên các sợi cáp dây văng, thân trụ tháp cầu và gầm cầu để làm đẹp kiến trúc cầu, tạo cảnh quan cho cả khu vực xung quanh. Cầu cũng được lắp các thiết bị rất hiện đại như hệ thống quan trắc về độ an toàn, camera giám sát giao thông..."

Thông xe cầu Cao Lãnh từ ngày 27/5

Người dân ở Đồng Tháp ngắm cầu Cao Lãnh từ bờ phía TP Cao Lãnh - Ảnh: TTO

Theo ước tính của Bộ GTVT, cầu Cao Lãnh sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho cuộc sống của 5 triệu người dân, thông qua việc kích thích đầu tư tư nhân và công nghiệp địa phương đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Khi hoàn thành cây cầu này ước tính có khoảng 170.000 người qua lại mỗi ngày. Khi đó, mạng lưới giao thông của ĐBSCL sẽ được kết nối liên thông và người dân không phải đi qua phà như trước.