Tiền lương phải bảo đảm đời sống người lao động và gia đình

(VOH) - Theo Nghị quyết 27, chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng một cách thống nhất, khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 27, ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7, Khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng và những mục tiêu cụ thể về cải cách tiền lương đến năm 2030. 

Tiền lương

Hội nghị Trung ương 7, Khóa 12: Ảnh: GD&TD

Các đại biểu nhận định: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.

Nói về những bất cập của chính sách tiền lương hiện hành, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến - Đoàn Đà Nẵng bày tỏ quan điểm: Với chính sách tiền lương như vậy thì giám đốc đơn vị lương sẽ thấp hơn, thậm chí thấp hơn lương chuyên viên, trưởng phòng trong khi đó công việc và trách nhiệm họ đóng góp cho một đơn vị như vậy rất lớn. Như vậy thì nó rất là khó, không tạo được sự công bằng. Thứ hai nữa là cái sắp xếp tiền lương hiện nay là nó theo ngạch bậc, nó không liên quan nhiều đến vấn đề về đào tạo. Tuy nhiên có những ngành như ngành y tế người ta học 6 năm ra họ cũng 2,34 mà học 4 năm cũng 2,34. Điều đó là không công bằng".

Theo Nghị quyết 27, chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng một cách thống nhất, khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Quảng Bình nhận định: "Chính sách tiền lương mới đã định hướng nhiều năm rồi nhưng chưa thực hiện được bởi lẽ do nền kinh tế của chúng ta chưa phát triển. Lần này Bộ Chính trị, BCH Trung ương làn thứ 7 khóa 12 đã thông qua. Cái đề án này có ưu điểm: 1 là bỏ hết các loại phụ cấp, gần như tạo sự công bằng, 2 là bỏ hết các chi phí không cần thiết trong quá trình tổ chức thực hiện và việc làm của một số cơ quan đơn vị. Đồng thời hợp thức hóa chính sách tiền lương đồng đều giữa các ngành, các cấp, tránh sự chênh lệch giữa các ngành….".

Theo các đại biểu, nhiệm vụ của các bộ, ngành chính là xây dựng và ban hành hệ thống bảng lương, phụ cấp lương và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên cơ sở vị trí việc làm, tham khảo kinh nghiệm của thế giới để kế thừa những mặt tích cực và khắc phục những bất hợp lý, tính cào bằng, bình quân của chế độ tiền lương hiện hành, mục đích cuối cùng là để tiền lương  phải bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương./.