TPHCM: Kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm quy trình an toàn lao động

(VOH) - ​Tính từ đầu năm đến ngày 10/7, tại nạn lao động trên địa bàn thành phố đã xảy ra 37 vụ, làm chết 41 người, trong đó, lĩnh vực xây dựng xảy ra 16 vụ, chiếm tỷ lệ 43%.

​Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc để xảy ra sự cố sập giàn giáo thi công công trình tòa nhà Nam Sài Gòn (quận 7). Ảnh: Lệ Loan

Liên quan đến sự cố sập giàn giáo thi công công trình tòa nhà Nam Sài Gòn (quận 7) khiến 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương, chiều 13/7, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng này.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết thời gian qua, thành phố cũng đã có nhiều văn bản nhắc nhở kiểm tra đôn đốc, rà soát nhưng vẫn để xảy ra sự cố. Chủ tịch yêu cầu các đơn vị có liên quan xem lại trách nhiệm nhà thầu, kỹ năng lao động về xây dựng, vấn đề tuyển dụng lao động, các loại thiết bị thi công, trách nhiệm pháp lý xã hội, đảm bảo tài sản, tính mạng người dân, đảm bảo an toàn công trình và người lao động. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo tập trung cứu hộ, cứu nạn, kiểm sát, khám nghiệm ban đầu, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại khâu quản lý, trách nhiệm chủ đầu tư, trách nhiệm thiết kế có đảm bảo đúng công trình dự án, tư vấn quản lý, nhà thầu thi công, giàn giáo có đảm bảo không. Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo.

​Tính từ đầu năm đến ngày 10/7, tại nạn lao động trên địa bàn thành phố đã xảy ra 37 vụ, làm chết 41 người, trong đó, lĩnh vực xây dựng xảy ra 16 vụ, chiếm tỷ lệ 43%. Liên quan đến sự cố thiết bị nâng, cần trục, trong đó, có hai vụ tai nạn lao động chết người do vi phạm quy trình an toàn, quy trình tháo dở… Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đi kiểm tra 13/20 công trình sử dụng cầu tháp, 38 công trình xây dựng liên quan đến giàn giáo. Đại diện Sở cho hay.

​Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, về phía Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM đã nỗ lực tìm kiếm các thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, do sàn bê tông rộng lớn trên nền cốt thép kết nối với nhau giữa giàn giáo và sắt thép nên công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải khoanh vùng, đào bới khoảng 50m mới tìm thấy thi thể thứ ba. Thiếu Tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng.

​Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nhận định: Vụ việc lần này có hai khả năng do mưa dông có thể làm xô lệch giàn giáo chống bên dưới nên không phát hiện ra, và nguyên nhân khác phức tạp hơn là việc lắp đặt giàn giáo, giàn chống bên dưới bị sai, có thể thiếu thanh giằn và không kiểm tra bằng dây dội nên giàn giáo không được thẳng đứng. Do đó, nếu bị sập một phía là sập nguyên cả sàn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiểm tra công trình có giàn giáo bị sập ở quận 7 (Ảnh: D.T/Vnexpress)

Trong khi đó, ​phân tích nguyên nhân sập giàn giáo, đại diện Sở Xây dựng cho rằng: ở hiện trường cho thấy, công trình bị sụp đổ từ trên xuống chứ không phải bị xô ngang, mưa cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình thi công. Nguyên nhân có thể trong quá trình lắp dựng, thi công không đúng. Hiện đang chờ kết quả giám định để có kết luận cuối cùng.

​Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND quận 7, Cảnh sát PCCC Thành phố, Ban Quản lý khu Nam Sài Gòn, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan đã kiểm tra hiện trường, nhanh chóng triển khai khắc phục sự cố, hỗ trợ nạn nhân.

Theo đó, UBND quận 7 hỗ trợ 5 triệu đồng/người bị thương và 10 triệu đồng/người thiệt mạng. Đơn vị thi công hỗ trợ 10 triệu đồng/người bị thương nhẹ cùng với tiền viện phí; 20 triệu đồng/người bị thương nặng cùng với tiền viện phí. Đối với người thiệt mạng hỗ trợ 36 tháng lương, 93 triệu đồng tiền bảo hiểm, quỹ học bổng cho con nạn nhân đến 18 tuổi và tất cả chi phí ma chay, xe đưa về quê. Còn chủ đầu tư hỗ trợ 10 triệu đồng bị thương nhẹ, 20 triệu đồng bị thương nặng, 30 triệu đồng người mất./.