TPHCM tăng cường công tác phòng chống sạt lở bờ sông kênh rạch

(VOH) - Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch vào mùa mưa ở TPHCM diễn ra thường xuyên, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, các đơn vị của thành phố đã khảo sát và tìm nhiều giải pháp khắc phục như tăng cường cảnh báo, di dời các hộ dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao, làm bờ kè.v.v nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do sạt lở gây ra.
TPHCM vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Trong ảnh là một vụ sạt lở bờ sông xảy ra hồi tháng 9-2011 tại huyện Nhà Bè - Ảnh: Anh Quân

Mùa mưa cũng là thời điểm mà sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP, trong 6 tháng đầu năm 2013, đặc biệt từ đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn TP xảy ra 13 vụ sạt lở. Các vụ sạt lở này tập trung chủ yếu ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Quận 9, Thủ Đức,…với tổng diện tích sạt lở khoảng 4.000 mét vuông đất, làm sụp hoàn toàn xuống sông 5 căn nhà, sạt lở một phần 9 căn nhà; ngã đổ 1 trụ điện, sụp 2 đoạn đường giao thông nội bộ và 3 đoạn kè bảo vệ bờ sông với tổng chiều dài 86 mét, không có thiệt hại về người. Huyện Nhà Bè được xem là điểm nóng về sự cố sạt lở với 7 vụ tại phần đất hộ ông Nguyễn Văn Tiếu; bờ trái tuyến rạch Giồng – sông Kênh Lộ; làm sạt một phần căn nhà mái lá, vách lá hộ bà Châu Thị Ngọc Lợi; tại khu vực tổ 13, ấp 3, xã Hiệp Phước, cách dự án cầu Kinh Lộ về phía hạ lưu khoảng 1.100 mét, làm sạt lở khoảng 60 mét vuông đất và ảnh hưởng đến 6 căn nhà của hộ ông Phạm Văn Quân, bà Trần Thị Tuyết Trinh, bà Phạm Thị Thùy Trang,… Trước những diễn biến phức tạp của sạt lở, các đơn vị của TP đã khảo sát và có giải pháp hỗ trợ người dân trong khu vực sạt lở như làm bờ kè. Ông Phạm Văn Quân, người dân ngụ ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè nói:

Còn tại huyện Cần Giờ cũng xảy ra 4 vụ sạt lở tại bờ kè Tắc Sông Chà với diện tích đất bị sạt lở 90 mét vuông và thiệt hại 1 đoạn kè đá hộc lát khan dài 30 mét. Sạt lở trên tuyến Tắc An Nghĩa thuộc ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, diện tích đất bị sạt lở là 600 mét vuông; tại đoạn kênh Bà Tổng thuộc ấp An Hòa, xã An Thới Đông, diện tích sạt lở 400 mét vuông đất, thiệt hại hoàn toàn 35m kè bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa và 1 đoạn đường bê tông xi măng rộng 3 mét. Đáng chú ý là vụ sạt lở tại đoạn sông Nhà Bè thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh vào trung tuần tháng 6 vừa qua với diện tích sạt lở khoảng 500 mét vuông đất, gây hư hại hoàn toàn nhà sau cùng vật dụng sinh hoạt của 5 hộ dân và thiệt hại 21 mét đoạn kè chống sạt lở sông Nhà Bè. Chị Nguyễn Thị Tám, người dân ở đây lo lắng:
Sau khi xảy ra sự cố, UBND các quận, huyện đã chỉ đạo phường, xã phối hợp với đoàn thể vận động và tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình diễn biến của sạt lở để có biện pháp giải quyết kịp thời. Đồng thời, bố trí lực lượng xung kích lập rào chắn, khoanh vùng sạt lở để người dân không được ra vào khu vực sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở, huyện Cần Giờ đã cắm mốc cảnh báo và đề nghị TP hỗ trợ kinh phí làm kè đá chống sạt lở, đặc biệt là những khu vực tạm bợ, xung yếu. Ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết:

Một điểm nóng đáng chú ý về nguy cơ sạt lở cao là khu vực bán đảo Thanh Đa. Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở bán đảo Thanh Đa luôn mong chờ dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa sớm hoàn thành. Tuy nhiên, một số gói thầu của dự án này đang thi công hết sức ì ạch, chưa biết bao giờ xong. Trong số 4 tiểu dự án được ghi vốn đầu tư thì từ năm 2007 đến nay chỉ có gói thầu 1.1 và 1.3 – đoạn từ cầu Kinh đến khu doanh trại quân đội và cầu Bình Triệu hoàn thành. Riêng gói thầu 1.2 – đoạn từ cầu Kinh đến bờ kè khu Dầu Khí và gói thầu 1.4 – đoạn từ cầu Kinh đến khách sạn Công đoàn- cầu Bình Triệu thuộc phường 27 và 28 vẫn còn vướng 42 hộ dân lấn chiếm chưa chịu di dời nên việc thi công kè chống sạt lở gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo quận Bình Thạnh, các hộ dân này đòi đền bù 100% nhưng do đất lấn chiếm nên qui định chỉ hỗ trợ 30%. Ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh băn khoăn này:

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ phấn đấu xóa 13 điểm sạt lở trong tổng số 62 điểm có nguy cơ sạt lở cao bằng việc hoàn tất nhiều công trình chống sạt lở bờ sông, kênh rạch trong năm 2013. Ngoài việc tiến hành kiểm tra hiện trường sạt lở và đề nghị khẩn trương thực hiện các biện pháp cảnh báo, khắc phục sự cố sạt lở. Để kịp thời xử lý TP cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kè chống sạt lở Rạch Giồng – sông Kinh Lộ, huyện Nhà Bè; khắc phục sự cố sạt lở kè ven sông An Nghĩa, huyện Cần Giờ và khẩn trương xử lý tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè, quận 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức,…Tuy nhiên, trước mắt Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP thực hiện kiểm tra các điểm xung yếu để kiến nghị ứng phó kịp thời, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chi cục trưởng chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP nói:

Theo thông lệ, cứ vào đầu mùa mưa đến tháng 9 hàng năm, khi mà mực nước chân triều rút thấp nhất cộng với mưa nhiều sẽ gây sạt lở bờ sông kênh rạch càng cao. Do đó, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn TP và chủ động phòng, chống, ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do sự cố sạt lở gây ra.