TPHCM vẫn nóng chuyện giữ trẻ mầm non

(VOH) - Chiều ngày 7/12, sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề nghị quyết về giáo dục mầm non, các đại biểu thảo luận nhằm đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

Về kết quả giám sát chuyên đề giáo dục mầm non theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP cho biết, việc giữ trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các trường công lập (thực hiện từ năm 2014 đến nay) đã triển khai đại trà tại 24 quận, huyện. Đa số trường mầm non gần khu chế xuất, khu công nghiệp đều nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.

Tổng mức đầu tư xây dựng trường mầm non được mở rộng, còn 3 phường chưa xây dựng trường do chưa bố trí được đất. Đến nay có 11/17 khu chế xuất, khu công nghệ cao xây dựng trường mầm non, hằng năm đều tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non.

Bên cạnh kết quả thực hiện được qua 2 năm, vẫn tồn tại khó khăn trong việc xây dựng trường mầm non, chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, Hội đồng nhân dân kiến nghị UBNDTP quan tâm xây dựng trường mầm non theo đúng chuẩn, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, vay vốn kích cầu xây dựng trường mầm non.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM

Kiến nghị về thực hiện giáo dục mầm non trong thời gian tới, bà Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị: “Khi xây dựng trường mới cần quan tâm đến quy mô và chuẩn chất lượng bảo đảm quy định, tránh trường hợp do khó khăn về đất mà xây dựng trường nhỏ, ít nhóm lớp, dẫn đến tình trạng trường nhiều nhưng số lớp ít, thiếu chỗ học. Chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo phối hợp UBND các quận, huyện xây dựng lộ trình xóa các điểm phân hiệu nhỏ lẻ của mầm non trên địa bàn, triển khai giữ trẻ ngoài giờ theo ca và ngày thứ 7 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu giữ trẻ của công nhân”.

Sau khi nghe kết quả thực hiện Nghị quyết về giáo dục mầm non, các đại biểu thảo luận về cách làm hay, giải pháp tốt để có thêm nhiều trường, giáo viên có chất lượng giảng dạy tốt. Đồng thời, nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết như bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ chính sách cho giáo viên, bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng và đề xuất nhiều giải pháp, chính sách để giáo dục mầm non được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí băn khoăn, trong 3 năm qua tỷ lệ trường mầm non vẫn không tăng để đạt mục tiêu, tỷ lệ trẻ ở trường công lập, nhiều nơi sĩ số học sinh trong lớp còn cao chứng tỏ việc đầu tư cơ sở trường lớp cần đầu tư nhiều hơn. Bên cạnh đó, dù có sự hỗ trợ cho giáo viên mầm non nhưng vẫn chưa thu hút sinh viên theo học ngành này, do đó cần sự hỗ trợ lâu dài. “Hiện nay TP vẫn còn thiếu khoảng 781 giáo viên do không có nguồn tuyển, tôi rất đồng tình với ý kiến đề xuất của UBNDTP tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới tuyển dụng, tính đến giải pháp đồng bộ khác như tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ học bổng, đào tạo kinh phí đào tạo để thu hút sinh viên TP theo học ngành mầm non”.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa thì lo ngại về trình độ giáo dục, nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non tư thục chưa bảo đảm tiêu chuẩn, an toàn cho trẻ, do đó cần sự quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non tư thục: “Tôi đề nghị có quy định, có hỗ trợ ngoài hỗ trợ kinh phí của quận huyện, cần có hỗ trợ trực tiếp, quan tâm về mặt kiến thức về đối người nuôi giữ trẻ, quan tâm về mặt y tế đối với các nhóm này để chăm lo cho các cháu”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nga: hiện nay  tỷ lệ giữ trẻ chỉ đạt hơn 1.700 em/24 quận huyện, như vậy vẫn rất thấp trong khi nhu cầu gởi trẻ còn rất nhiều, đặc biệt đối với con công nhân. Do đó: “Đề nghị có giải pháp hỗ trợ, hỗ trợ cụ thể về vốn cho nhà trẻ, chủ đầu tư nhằm kêu gọi xã hội hóa vấn đề xây dựng nhà trẻ cũng như cải tạo nâng cấp đối với mầm non tư thục nâng lên thành trường mầm non”.

Theo phân tích của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP về việc thiếu giáo viên mầm non không phải là do tuyên truyền, chế độ chính sách hỗ trợ mà nguyên nhân là số lượng trẻ tăng hằng năm nên số giáo viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay TP vẫn còn thiếu gần 800 giáo viên mầm non.

Về nhu cầu gởi trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi còn thấp, do trẻ còn quá nhỏ, phụ huynh chưa an tâm khi gởi ở trường mà chọn hình thức là gởi người thân. Riêng với con công nhân thì do làm theo ca kíp nên không thể gởi ở trường ngoài giờ nên nhiều công nhân chưa thể gởi con theo học ở trường.

Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP Lê Hồng Sơn cho biết: “Sở Giáo dục cùng với Sở ngành liên quan cũng trình tiếp tục để giữ trẻ ngoài giờ các buổi chiều và thêm ngày thứ bảy. Đây là những giải pháp đang triển khai thực hiện tiếp tục, bổ sung thêm cho việc nuôi dạy, chứ không phải bước tuyên truyền. Hiện giờ ở tất cả địa phương, phường xã khu phố của các quận huyện, công tác tuyên truyền tuy đầy đủ nhưng không đạt tiến độ nhanh được”.

Sau khi thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về giáo dục mầm non, Hội đồng nhân dân TP tiến hành công tác nhân sự bầu bổ sung chức danh Ủy viên Hội đồng nhân dân TP.

Trong phiên làm việc ngày thứ 3, phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày 8/12, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh sẽ trả lời về chất lượng khám chữa bệnh, vấn đề xã hội hóa y tế và công tác phòng chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn sẽ trả lời về công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong sẽ trả lời chất vấn về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017.