Từ vụ cháy chung cư quận 8: Cần nhớ những điều không nên làm khi cháy chung cư

(VOH) - Đa phần, trong trường hợp bị kẹt trong đám cháy chung cư, nhiều người hoảng loạn và cố gắng thoát hiểm bằng cách không nên làm.

Dưới đây là những điều bạn không nên làm khi cháy chung cư:

Đừng vội nhảy ra khỏi chung cư đang cháy

Trong trường hợp không thoát hiểm được bằng thang bộ, nhiều người lựa chọn cách nhảy ra khỏi cửa sổ/ban công - điều này khá phổ biến trong các vụ cháy từ trước tới giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, điều này là không nên nếu phía dưới không có lực lượng hỗ trợ. Nếu nhảy ra ngoài mà không có phao, bạt đỡ, nguy cơ thương tích nghiêm trọng có thể xảy ra và việc giữ tính mạng rất khó.

Ném mình ra khỏi cửa sổ, ban công có thể gây nhiều thiệt hại, do đó điều quan trọng là đánh giá tình hình trước khi nhảy. Nếu đây là hy vọng cuối cùng để thoát khỏi tòa nhà bị cháy, bạn nên sử dụng các vật hỗ trợ mềm, xốp như nệm giường để giảm bớt chấn thương…

Thay vì nhảy ra khỏi ban công bạn hãy kiên nhẫn chờ lực lượng cứu hộ (Ảnh: Vnexpress)

>>> Các bước thoát hiểm khi cháy tại chung cư

>>> Cách thoát hiểm khi có em bé trong trường hợp cháy nhà cao tầng

Đừng thoát hiểm bằng thang máy

Đây dường như là một lựa chọn hữu ích để thoát nhanh nhất nhưng hoàn toàn không nên làm vì khi hỏa hoản, hố thang là nơi có thể nóng nhất và cũng là đường ống dẫn lửa nhanh qua các tầng. Lửa có thể làm hỏng điện và cơ chế của thang máy, khói có thể bao trùm. Nếu chui vào thang lúc này có nghĩa bạn đã nhốt mình vào đường cùng.

Đừng cố gắng mở một cánh cửa cực nóng

Cố gắng bò ra hành lang tìm thang thoát hiểm là lựa chọn tốt nhưng nếu bạn đang ở trong phòng mà phía ngoài lửa cháy bập bùng, tay nắm cửa nóng ran thì tốt nhất không nên ra. Mở cửa khi đang nóng và có cháy bên ngoài – khói và lửa có thể tràn vào nhanh chóng và bạn sẽ trở nên bế tắc hơn.

Một giải pháp tốt nếu bạn mắc kẹt trong căn hộ, đó là dùng vải, ga ướt che chắn khe cửa để khói không lan vào trong phòng, đồng thời ngắt cầu dao điện.

Tiếp theo, hãy bịt hết các miệng cống thoát nước và xả tất cả các vòi nước trong phòng, té nước lên tường trong phòng để tường ẩm hơn. Nước trong căn hộ ngập một mức nhất định, tường ẩm hơn khiến lửa khó lan hơn. Lúc này, hãy đưa em bé, người cao tuổi vào phòng an toàn nhất và có cửa sổ/ban công để chờ lực lượng cứu hộ hỗ trợ.

>>> Cách nối dây thoát hiểm khi cháy chung cư

Đừng ẩn nấp quá kĩ

Tự bảo vệ mình trong phòng khi bên ngoài đang cháy là điều cần thiết nhưng bạn đừng bảo vệ mình bằng cách ẩn nấp “quá lố” kiểu như chui vào trong tủ hoặc dưới gầm giường. Nhiệt, độ và khói có thể làm hỏng bất cứ vật dụng nào có cấu trúc bằng gỗ, nhựa. Ngoài ra, việc ẩn nấp kĩ còn gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

Hãy bịt các khe cửa, làm ẩm nhà như hướng dẫn trên và tìm một nơi thoáng khí trong nhà như cửa sổ lớn, ban công để hít thở không khí trong lành, tránh bị ngạt khói và kêu gọi hỗ trợ. Nếu ẩn nấp kĩ, lực lượng cứu hộ sẽ không biết bạn ở đâu để tìm – trong trường hợp xe thang tiếp cận được.

Những điều cần thiết để thoát hiểm khi sống ở chung cư

  • Tìm hiểu kế hoạch sơ tán của tòa nhà.
  • Sơ tán một cách bình tĩnh và nhanh chóng khi có tiếng chuông báo cháy.
  • Giữ các đồ vật quan trọng như thuốc men và thiết bị y tế tiện dụng để lấy nhanh trong trường hợp sơ tán.
  • Biết các thang thoát hiểm của chung cư.
  • Trước khi mở cửa thoát hiểm, hãy thử sở tay nắm cửa. Nếu cửa nóng, tay nắm cửa nóng thì đừng mở.
  • Nếu gặp khói trong quá trình di tản, hãy bò ở dưới sàn.
  • Trong trường hợp hỏa hoạn, hãy điện thoại theo số 114 để được hỗ trợ
  • Kiểm tra đầu báo cháy, báo khói trong căn hộ thường xuyên.
  • Biết các vị trí bình cứu hỏa, các trạm báo cháy và cần học cách sử dụng bình cứu hỏa.
  • Hãy chuẩn bị sẵn thang dây thoát hiểm hoặc cách cột dây thoát hiểm bằng ga, rèm cửa để có thể thoát hiểm qua lối ban công.