Tự ý lấn chiếm kênh rạch: Cần xử lý để răn đe

(VOH) - Trong những chuyến đi khảo sát với cơ quan chuyên ngành, chúng tôi thấy phần lớn các con rạch nhánh dẫn ra các con kênh lớn ở TPHCM gần như trở thành là nơi chứa rác và các chất thải khác. Nghiêm trọng hơn là có một số bộ phận dân cư sống dọc theo các con rạch đó đã tự tiện xây nhà lấn ra bờ, lòng con rạch vô tư và thậm chí lấp cả một đoạn rạch làm cống thoát nước và xây dựng con đường giao thông trên con rạch đó để phục vụ cho mục đích riêng của mình mà chính quyền địa phương không hề hay biết hoặc biết nhưng vẫn làm ngơ.

Rạch Bến Chùa ở phường Phước Bình quận 9, dài 382 m có hành lang quản lý và 646 m không có hành lang quản lý, điểm đầu của hành lang không có quản lý của con rạch có bề ngang rộng 1 m mà nhà số 6 và các nhà liền kề đó, xây nhà tường lấn hết phần bề ngang con rạch. Đã vậy, từ cửa xả đến nhà số 6 khoảng 20 m, rác và xà bần do người dân thải ra đã lấp đầy hết 1 đoạn đầu của con rạch, không còn nhiệm vụ tiêu thoát nước dẫn ra điểm cuối của con rạch, thoát ra sông Rạch Chiếc. Cuối năm 2012, cơ quan chức năng cùng với UBND phường Phước Bình có lập biên bản và đề nghị dỡ bỏ phần lấn chiếm để đơn vị quản lý con rạch này nạo vét và khơi thông dòng chảy nhưng cho đến nay tình trạng trên vẫn không có gì thay đổi. Anh Trần Văn Đê, người dân tại đây lo ngại:

Tại điểm cuối của nhánh rạch Văn Thánh, ở vị trí cạnh nhà số A11 đường D3 phường 25, quận Bình Thạnh, rác đọng lại rất nhiều bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường dân cư và có hộ dân đã đổ đất cát lấn ra lòng con rạch tới 2,5 m bề ngang, 8 m bề dài và còn xây hàng rào lưới thép B40 lấn chiếm lòng của nhánh rạch Văn Thánh. Tháng 6/2013, đại diện Phòng Quản lý đô thị, UBND phường 25, quận Bình Thạnh và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố xuống lập biên bản buộc tháo dỡ hàng rào lưới thép B40 và trả lại nguyên trạng ban đầu của hành lang bị lấn chiếm, nhưng sau gần 3 tháng trở lại thì chỉ thấy hộ dân tháo dỡ hàng rào lưới thép B40, còn phần lấn chiếm vẫn chưa khôi phục lại, đã vậy hộ dân này còn tiếp tục đổ đất cát lấn chiếm thêm một phần lòng rạch nhánh Văn Thánh nữa với bề ngang 4 m, bề dài 8 m tiếp giáp với nhà số 27B đường D3. Một cán bộ của đơn vị quản lý kênh rạch thành phố cho biết thêm:

Rạch Thầy Tiêu ở phường Tân Thuận Tây - Quận 7, có một đoạn đã bị lấn chiếm toàn bộ xây nhà và các công trình dân sinh khác trái phép. Điều đáng nói là địa phương không xử lý để kéo dài đến khi người dân ở đây phản ánh là đoạn rạch này trước đây là một con hẻm xi măng, không phải là rạch tiêu thoát nước theo bản đồ năm 2013 của Sở Tài nguyên - Môi trường cung cấp nên Quận đề nghị Sở xác định lại để có cơ sở xử lý, lấn chiếm trái phép này.

Và còn rất nhiều những trường hợp lấn chiếm rạch hoặc nhánh của các kênh lớn của thành phố mà người dân viện nhiều lý do để kéo dây dưa tình trạng lấn chiếm này và cho đến nay vẫn chưa có hướng xử lý, xử phạt khiến cho tình trạng tự ý lấn chiếm nhiều hơn. Để che mắt cơ quan chức năng, mỗi ngày họ lấn ra từng mép bờ, mép lòng kênh rồi tới thời điểm thuận lợi xây nhà, xây công trình trên bờ kênh lấn chiếm đó.

Trường hợp người dân ở phường Tăng Nhơn Phú B - Quận 9 bỏ tiền ra thuê nhà thầu tổ chức lắp 1 đoạn nhánh Rạch Lân 2 xây cống thoát nước và làm đường xi măng trên đường cống này, đến khi xây dựng gần xong, thì cơ quan quản lý con rạch phát hiện gởi công văn cho địa phương mới biết là một

 đoạn rạch đã bị lấp làm cống thoát nước D600 dài 70 m, bên trên xây con đường giao thông xi măng hoàn chỉnh rộng 4 m, dài 100 m. Đoạn rạch này nằm trong nhánh Rạch Lân 2 là tuyến thoát nước chính của đường Lê Văn Việt chưa được phép của ngành chức năng nên ngày 8/8, qua phát hiện của cơ quan quản lý nhánh Rạch Lân 2, tại UBND phường Tăng Nhơn Phú B có tổ chức cuộc họp giải quyết việc san lấp trái phép này. Ông Nguyễn Minh Thành, cán bộ của UBND quận 9 cam kết sẽ kiểm tra lại và có phản hồi với cơ quan chức năng sau.


Người dân xây tường rào lấn chiếm Rạch Lân 2, quận 9 - Ảnh: CATP.

Dù sau cuộc họp đó, UBND phường Tăng Nhơn Phú B có chỉ đạo nhà thầu phải ngừng thi công san lấp đoạn rạch nhưng từ đó cho đến nay, UBND quận 9 vẫn chưa có văn bản phúc đáp với cơ quan chức năng. Vụ san lấp này theo Công ty Thoát nước đô thị là hoàn toàn trái phép mà chính quyền địa phương vẫn còn rề rà không dứt khoát xử lý, điều này cũng cho thấy chính quyền không kiên quyết nên công trình lấp rạch này vẫn chưa khôi phục trả lại nguyên trạng ban đầu. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà còn rất nhiều vụ san lấp trái phép như vậy, nhưng các cơ quan chức năng khi phát hiện chỉ đề nghị tháo dỡ chứ chưa áp dụng quy định xử phạt, trong khi đó pháp luật đã có những quy định xử phạt và UBND TPHCM cũng có chỉ đạo quyết liệt về tình hình này.

Theo chúng tôi, đã đến lúc cần phải áp dụng biện pháp mạnh tay hơn và kiên quyết hơn, như dừng thi công và buộc tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu, Thanh tra Sở GTVT và quận - huyện còn phải căn cứ vào quy định của pháp luật xử đến nơi đến chốn các vụ lấn chiếm kênh rạch thì mới răn đe và từng bước ngăn chặn hẳn tình trạng này để không phát sinh thêm, gây khó khăn và phức tạp khác cho công tác quản lý đô thị sau này. Thực hiện được điều này cũng góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chống ngập nước của thành phố.