Vì đó là con tôi

(VOH) - Người mẹ ấy mang nặng đẻ đau những đứa con thân yêu của mình, gửi gắm vào đó tất cả những gì tốt đẹp nhất, nhưng rồi các con lớn lên, cứ đến 15, 16 tuổi thì chân tay dần dần co rút, không tự đi đứng được. Ánh mắt dõi theo từng đứa con phải di chuyển bằng đôi tay yếu ớt, trái tim người mẹ Huỳnh Thị Bé như lặng đi, một nỗi đau chết lặng vì con.

Khi đến căn nhà nhỏ nằm chơi vơi giữa ruộng lúa khô cằn tại ấp Long An - xã Long Thuận - huyện Bến Cầu - tỉnh Tây Ninh, chúng tôi không biết phải chuyển tải làm sao để mọi người có thể cảm nhận được, có thể “nhìn” thấy được căn nhà nhỏ của người mẹ ấy. Sự già nua, héo hắt của người mẹ trên 70 tuổi, ước chừng bà chỉ nặng hơn 35 kg mà phải cõng trên tấm lưng còng 5 đứa con tật nguyền… trong đó có người con trai bị tâm thần. Ngày chồng còn sống, bà còn có thời gian để nghỉ ngơi. Còn từ khi ông mất, đôi vai bà oằn nặng. Bao nhiêu năm nay, gần như chẳng có việc nào mà người mẹ ấy không làm qua. Nào hái lá thuê, làm ruộng mướn, tát nước, khiêng đất… miễn sao kiếm ra tiền để mua gạo về cho các con đang ngóng mẹ ở nhà. Mỗi ngày kiếm được 20 - 40 ngàn đồng, âu cũng chỉ đủ để mua gạo. Xót con, người mẹ nhỏ bé lại lặn lội bắt cá, mò ốc cho các con thêm miếng ăn. Chúng tôi hỏi bà - rằng, khi vất vả quá có lúc nào bà định bỏ các con mà đi không? Bà lắc đầu… đi thì dễ quá rồi, nhưng tôi đi - 5 đứa con tật nguyền phải làm sao đây?

Thời gian thoi đưa, người con lớn nay đã gần 50 tuổi, con trai út cũng gần 30 tuổi, tức là tóc người mẹ ấy lại càng bạc hơn; nỗi lo trong lòng càng đè nặng. Chúng tôi hiểu, mai này mẹ mất đi - con mẹ sẽ ra sao? Nhìn đôi tay run run của người mẹ ấy cột lại tóc cho chị Lan - đứa con gái đã hơn 40 tuổi, mới thấy lòng mẹ thật mênh mông, ấm áp đến dường nào.


Ảnh minh họa.

Đã có lúc người mẹ Võ Thị Bảy - ở xã Giồng Riềng  huyện Rạch Giá - tỉnh Kiên Giang đợi lúc không ai để ý, mang theo chiếc giỏ rách đựng mấy bộ áo quần lặng lẽ rời khỏi căn chòi mình đang sống. Thế nhưng, vài bước đi, bà lại xách giỏ trở về. Trái tim người phụ nữ đó không thể đành đoạn, bởi lẽ, sau lưng bà là người chồng hơn 70 tuổi bị tai biến nằm liệt một chỗ, 2 người con trai bị tâm thần và đứa con gái bị bệnh tim rất nặng. Bà có một đứa con trai khỏe mạnh thì đã bị sét đánh chết trong một lần đi chăn vịt. Còn hi vọng nào cho người mẹ ấy đâu? Mấy mươi năm tần tảo gánh vác gia đình bằng những bước chân khập khiễng, bà Bảy phải chống nạng để đi chăn 10 con vịt đẻ trứng, đó là nguồn sống của cả gia đình. Đã bao lần bà phải nhịn đói - nhường chén cơm ít ỏi cho chồng, cho con. Rồi - những lúc vịt rụng lông, không đẻ trứng được, thu nhập chẳng có - bà phải đi bẻ chuối về nấu cháo cho con ăn. Thấm thoát đã mấy mươi năm, các con của bà cũng lớn lên như bao đứa trẻ khác:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ, Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con", vâng, những đứa con của bà Bảy đã lớn lắm rồi, con trai út cũng gần 30 rồi còn gì, vậy mà trong mắt người mẹ, các con của mình vẫn còn thơ dại lắm. Mà cũng đúng thôi, 2 đứa con trai của bà có biết gì đâu, khi chúng tôi ngồi trò chuyện với bà, 2 anh con trai cứ ngồi bệt xuống đất nhìn chăm chú, bên là nước mắt mẹ mặn đắng, bên là nụ cười ngây ngô của những đứa con. Yêu thương bao la của mẹ dành cho con, đức hi sinh, sự nhẫn nại của người phụ nữ đã làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống đời thường... Vậy nên, dù xoáy sâu vào những điều thầm kín nhất, chúng tôi vẫn thấy bà mạch lạc, mạnh mẽ biết bao.

Có những câu văn viết rất hay về phụ nữ như vầy: “Nếu như đàn ông thể hiện sức mạnh của mình ở cái vẻ bên ngoài thì ngược lại, phụ nữ có một sức mạnh ngầm rất lớn ở trong tim". Phụ nữ có trái tim nhạy cảm với từng chút nỗi buồn và niềm vui, nhạy cảm đến mức ngỡ như là yếu đuối. Nhưng tâm hồn của họ vẫn chứa chan niềm tin và nghị lực, cho họ đủ sức mạnh để đứng vững một mình nếu cần. Và một trong những người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Thu ở Quận 9, người đã nói rằng:

"Tôi không buồn, không khóc mà chỉ biết phải mạnh mẽ để thương yêu thật nhiều". Đôi mắt chị Thu không thấy đường, hàng ngày chị phải đi bán vé số nuôi sống bản thân. Rồi chị gặp được người chồng cùng cảnh ngộ. Tưởng hạnh phúc ngọt ngào sẽ đến với mình, ai ngờ khi sinh được đứa con trai bụ bẫm, người chồng rời bỏ 2 mẹ con. Chị hụt hẫng và chới với khi đối diện với đứa con duy nhất mà chính mình cũng chẳng tưởng tượng được khuôn mặt nó ra làm sao. Một khoảng trống quá lớn, không có chút của cải gì để cho con ngoài tình mẫu tử thiêng liêng vô hạn. Quyết không để con mình chịu thua thiệt, chị lần đi xin học mát xa, bấm huyệt, kiếm cái nghề nuôi con ăn học.

Chúng tôi tin rằng, từng giọt mồ hôi của người mẹ rơi xuống để con chị - em Huy lớn lên với những kết quả học tập xuất sắc nuôi dưỡng hoài bảo tương lai.

Đâu đó, chắc chắn sẽ còn nhiều lắm những người mẹ có tấm lòng thương con bao la như bà Bé, bà Bảy, chị Thu… không có được một cuộc sống yên bình, những đứa con khỏe mạnh để có thể tìm nơi dựa đỡ khi tuổi già. Thế nhưng, họ vẫn lặng lẽ chăm con với một tình yêu vô điều kiện. Chúng tôi xin mượn những vần thơ về mẹ của nhà thơ Thanh Nguyên để khép lại bài viết này như một lời tri ân xin được gửi đến họ:

"Mẹ, có nghĩa là ánh sáng,

Một ngọn đèn, thắp bằng máu con tim …

Mẹ, có nghĩa là mãi mãi,

Là cho đi, không đòi lại bao giờ".