Xuân về trên miền hoa ban trắng

(VOH) - Mùa xuân năm nay đối với người dân thành phố Điện Biên Phủ dường như đặc biệt hơn, bởi năm nay tròn 60 năm sau ngày giải phóng kể từ trận chiến Điện Biên Phủ gây chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu. Người dân Điện Biên tự hào khi được sống trên mảnh đất ghi dấu trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc và cũng chính mảnh đất Điện Biên đã gắn liền với tên tuổi của vị tướng huyền thoại, vị tướng của lòng dân - Võ Nguyên Giáp.

Chúng tôi lên đường đi Tây Bắc trong những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, thời điểm này tiết trời rất lạnh, nhiệt độ ban đêm xuống tới 4 độ C. Vượt hơn 500 km từ Hà Nội, đi qua những ngọn đèo quanh co, khúc khuỷu, trải dài trước mắt chúng tôi là khung cảnh hùng vĩ của núi non và những cánh đồng bậc thang thơ mộng. Nằm gọn trong thung lũng, thành phố Điện Biên Phủ thật yên bình giữa bốn bề rừng núi xanh thẳm. Đây là vùng đất mà 60 năm trước đã diễn ra trận chiến Điện Biên Phủ ác liệt gây chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu. Di tích đồi A1 vẫn còn đó như một chứng nhân của thời gian, ghi nhận tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Cách đồi A1 không xa, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ sừng sững trên một ngọn đồi lộng gió. Hàng năm, vùng đất này đã đón hàng triệu lượt người đến viếng và tham quan các di tích lịch sử: Nghĩa trang liệt sĩ, đồi A1, hầm tướng Đờ Cát… Đặc biệt, di tích thiêng liêng và gây xúc động mạnh nhất đối với du khách mỗi khi ghé thăm xứ sở hoa ban này chính là hầm Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của lòng dân.


Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ - Ảnh: Dienbientv.vn

Từ trung tâm thành phố, đi hơn 20 km đường núi về xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên, chúng tôi hướng đến di tích hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Băng qua những cánh đồng của người H’Mông, căn cứ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ẩn mình giữa khung cảnh núi non hùng vĩ đã hiện ra trước mắt. Bất kể đường xá đi lại còn nhiều khó khăn, người dân khắp mọi miền vẫn lặn lội lên tận đây để được một lần tận mắt nhìn thấy nơi ở và làm việc hết sức giản dị, đơn sơ của vị Đại tướng lừng danh và đồng đội của ông, để được thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ đến Người. Xúc động trước căn nhà lá đơn sơ, căn bếp nhỏ Hoàng Cầm từng gắn bó với Đại tướng và các chiến sĩ Điện Biên 60 năm trước, chị Phạm Thị Hoàng Mai - một người dân đến từ Hà Nội đã bật khóc: “Ngày hôm nay mình rất xúc động khi đến thăm trụ sở ở Điện Biên này, mặc dù mình đã được xem phim nhưng khi đến đây mình rất xúc động. Mình cũng đã viếng Bác Giáp khi hay tin Bác mất, trong lòng mình có một sự mất mát vô cùng to lớn”.

Với mảnh đất Điện Biên, mùa xuân thứ 60 này cũng là mùa xuân đầu tiên vị Đại tướng kính yêu đi vào cõi vĩnh hằng, vậy nên khi nhắc đến tên ông, được nhìn lại những hiện vật từng gắn bó, theo ông qua suốt những năm tháng chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước, ai nấy cũng đều rưng rưng, nghẹn ngào không nói nên lời. Những người anh hùng của dân tộc đã anh dũng ngã xuống cho quê hương, tinh thần bất diệt của các anh được lưu giữ mãi mãi trên mảnh đất Điện Biên này.

Trải qua 60 mùa xuân kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã phát triển, đi lên từng ngày. Lãnh đạo tỉnh cho biết, dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 vừa qua đạt hơn 8%, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì và mở rộng. Hiện nay, Điện Biên đang tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm qua, tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới tại 29 xã biên giới, nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người dân vùng cao. Để chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền tỉnh Điện Biên đã và đang có nhiều chính sách nhằm giúp đồng bào định canh, định cư, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Vân Chương - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Điện Biên, cho biết: “Chúng tôi luôn xác định đảm bảo làm sao cho các dân tộc được bình đẳng, chúng tôi chăm lo cho bà con được học hành, chữa bệnh, tham gia điều hành tại địa phương làng bản, tạo công ăn việc làm để bà con chủ động sản xuất vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tăng số hộ giàu”.

Chính nhờ vào những bước đi phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đến nay, tỉnh Điện Biên đã trở thành một trong những vựa lúa của vùng cao Tây Bắc. Đi giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống hối hả nơi đây, nhất là trong những ngày đón Tết cổ truyền dân tộc. Dọc đường, các chậu hoa phong lan, những cành đào hồng thắm và các món đặc sản vùng cao đang được phụ nữ đồng bào các dân tộc bày bán cho ngày Tết. Không khí mùa xuân đã thực sự lan tỏa khắp cả núi rừng. Tỉnh Điện Biên là nơi tập trung nhiều đồng bào người dân tộc, có đến 16 dân tộc anh em cùng sống chan hòa ở vùng đất lịch sử này. Đứng trên ngọn đồi A1 nhìn ra xung quanh, chúng tôi thấy bát ngát những cánh đồng. Người Điện Biên đã biết cách làm ra những hạt gạo có hương vị riêng, xa gần đều biết tiếng với thương hiệu gạo Tám Điện Biên. Đây cũng là một loại gạo được người Điện Biên dùng trong những ngày lễ, Tết. Đi qua các huyện Tây Trang, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ẳng… đâu đâu chúng tôi cũng được nghe người dân cho biết năm nay được mùa, thóc lúa vừa gặt xong, nhà nhà náo nức đón Tết. Từ trên những rẻo cao, các cô gái H’Mông hăm hở ngồi may áo mới. Trong các bản làng dưới thung lũng của Bản Suối Lư, huyện Điện Biên Đông, nhiều gia đình người Thái đã tranh thủ cất xong nhà mới để ăn Tết được vui hơn. Ông Lò Văn Trung, một người Thái giới thiệu về món ăn mà dân bản đang chuẩn bị cho ngày Tết:

“Đây là món gói lá chuối của dân tộc Thái, có 3 loại thịt, là món sở trường của dân tộc, không thể thiếu được, món thịt xiên, xiên nướng, rồi món thịt sống ướp gia vị, mình ăn thì không việc gì”.

Ở vùng đất này, các dân tộc anh em sinh sống chan hòa, bản người Khơ Mú và người Thái ở rất gần nhau. Tuy không có những bộ trang phục rực rỡ hoa văn như người H’Mông và cũng không có nhiều điệu múa đẹp như người Thái, người Khơ Mú ăn Tết cũng rất rộn ràng với các món ăn truyền thống, cũng như các trò chơi để thanh niên trai gái giao lưu. Anh Lò Văn Hoạt, dân tộc Khơ Mú, sống ở Bản Suối Lư nói: “Người Khơ Mú trong các dịp lễ, Tết thì cũng có lễ hội ném còn với nhau, người nào không bắt được thì bị phạt uống rượu, rồi ngày Tết anh em rủ nhau đi chơi khắp bản. Điều đầu tiên chúc là sang năm mới chúc sức khỏe, phát lộc, phát tài”.

Trên rẻo cao, những cây ban trắng lá xanh mơn mởn đang hé nở những chùm hoa trắng muốt. Người dân nơi đây cho biết, hoa ban là loài hoa đặc trưng của núi rừng và khắp cả khu rừng hoa ban sẽ nở hoa rực rỡ vào những ngày xuân. Lác đác trên những vạt rừng xanh lá, những cành đào rừng đã trổ hoa hồng thắm, ẩn hiện theo những mái nhà sàn nhả khói lam chiều. Mùa xuân đã về trên vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ. Mùa xuân năm nay, tròn 60 năm kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên đã và đang tiếp tục đồng sức, đồng lòng với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, tạo dựng phồn vinh, ấm no và bền vững cho xứ sở hoa ban này.