Các ông lớn công nghệ với thị trường Hong Kong hậu luật an ninh: người rút lui, kẻ thu hẹp hoạt động

(VOH) - Các tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Google, Facebook, TikTok…đang có những động thái đầu tiên đối với thị trường Hong Kong sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới lên đặc khu này.

Ngày 1/7, Trung Quốc đã chính thức áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong. Bộ luật này đã tăng cường quyền lực của chính quyền đại lục và địa phương trong việc điều tra, khởi tố và trừng phạt những người có tư tưởng ly khai. Theo luật mới, những hành động ly khai, phá hoại, khủng bố, liên kết với các thế lực nước ngoài sẽ bị trừng phạt. Những người phạm phải những tội trên có thể đối mặt với án tù chung thân.

Động thái của Trung Quốc đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, cho rằng bộ luật này vi phạm nghiêm trọng quyền tự chủ tại Hong Kong và là hành động không tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Luật an ninh mới ở Hong Kong còn làm dấy lên quan ngại khi Bắc Kinh sẽ có thêm quyền lực và can thiệp vào quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư đối với dữ liệu của người dùng trên mạng.

Không chỉ vậy, một số nền tảng truyền thông xã hội và Internet lớn trên thế giới với các ứng dụng tỷ USD như Facebook, Twitter, Google, TikTok… cũng đang có những quyết định đầu tiên trong hoạt động kinh doanh tại Hong Kong.

Đáng chú ý trong đó là quyết định “sẽ rời khỏi thi trường Hong Kong ngay trong vòng vài ngày tới vì những sự kiện gần đây” của công ty chủ quản TikTok - một trong những ứng dụng có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua.

TikTok là ứng dụng tạo, đăng tải, chia sẻ và tương tác video dạng ngắn đến từ ByteDance - công ty công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên TikTok được định hướng phát triển dành cho người dùng nằm ngoài Trung Quốc đại lục. Tại Trung Quốc, công ty này cũng điều hành một ứng dụng tương tự có tên gọi là Douyin.

Ngày nay, app là nền tảng video ngắn hàng đầu và là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu. Tính đến tháng 10/2019, TikTok báo cáo có đến 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và con số này đã tăng gấp nhiều lần trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và nhu cầu giải trí của giới trẻ tăng cao do việc thực thi các lệnh giãn cách xã hội, yêu cầu người dân ở nhà của chính phủ nhiều nước. 

TikTok - ứng dụng hàng đầu hiện nay trong mảng chia sẻ tương tác video ngắn - tuyên bố sẽ nhanh chóng rút khỏi Hong Kong trong vài ngày tới. Ảnh: BBC

TikTok - với mục tiêu thu hút khách hàng trên toàn cầu - hiện nay được vận hành bởi cựu giám đốc điều hành Walt Disney - Kevin Mayer. Hãng này trước đây từng khẳng định toàn bộ dữ liệu mà người dùng đăng ký đều không đặt tại Trung Quốc.

Ngoài ra, TikTok cũng cam kết hãng sẽ không bao giờ “bắt tay” với chính quyền Trung Quốc trong các vấn đề như kiểm duyệt nội dung hay trao quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu người dùng, và hãng cũng chưa bao giờ nhận được yêu cầu nào tương tự.

Quyết định của TikTok dừng hoạt động ở Hong Kong nghe qua có vẻ thật bất thường nhưng thực chất đây là nước đi mang tính chiến lược, bởi chiến lược đặt ra cho TikTok là nhắm vào thị trường toàn cầu.

Với việc bác bỏ những lập luận cho rằng công ty đang hoạt động theo luật pháp Trung Quốc, thu thập dữ liệu người dùng hay bị Bắc Kinh kiểm soát, TikTok đang nỗ lực thay đổi hình ảnh trong mắt công chúng và lấy lại niềm tin của người dùng trên toàn thế giới, chứng tỏ mình là công ty truyền thông “có trách nhiệm”. Nếu tiếp tục ở lại thị trường Hong Kong, với tình hình hiện tại công ty sẽ khó lòng giữ được cam kết nói trên.

Thực chất thị trường lớn nhất hiện nay của TikTok chính là Ấn Độ - quốc gia có dân số đông thứ nhì thế giới với 1,3 tỷ dân. Hiện tại chính phủ Ấn Độ đang ban lệnh cấm đối với TikTok vì những xung đột gần đây với Trung Quốc ở biên giới. Do đó, nước đi nhằm “lấy lại hình ảnh” của TikTok không phải điều quá khó hiểu.

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên Fox News, ông Mike Pompeo, ngoại trưởng Mỹ cho biết, nước này đang xem xét lệnh cấm với TikTok và các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc.

Facebook, Twiiter, Google, WhatsApp... đều đồng loạt thông báo ngưng cung cấp dữ liệu cho chính quyền Hong Kong. Ảnh: Hong Kong News

Không chỉ có TikTok, một số nền tảng truyền thông xã hội lớn khác như Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram trong tuần này cũng đã ra thông báo chính thức về việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh ở Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia mới được áp dụng.

Các công ty này đều cho biết họ sẽ ngưng thực hiện yêu cầu cung cấp dữ liệu cho chính quyền và cảnh sát Hong Kong trong khi chờ đánh giá các tác động của bộ luật mới đối với thành phố.

Facebook và WhatsApp cho biết công ty chỉ tuân thủ các yêu cầu thông tin từ các cơ quan thực thi pháp luật nếu điều đó phù hợp với các điều khoản dịch vụ trên nền tảng. Phía cảnh sát Hong Kong hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến tuyên bố của những “gã khổng lồ” công nghệ.

Từ trước đến nay ở Hong Kong - trung tâm tài chính hàng đầu châu Á - người dân có thể truy cập thoải mái các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, WhatsApp và Google - những ứng dụng này vốn bị chặn ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, với luật an ninh mới được áp dụng, tại Hong Kong chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn trong việc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội này.