Được phép tuyển sinh riêng nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu vào

(VOH) - Theo Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ năm 2014 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, kỳ thi ba chung sẽ còn tiếp diễn trong 3 năm nữa trước khi chấm dứt “sứ mệnh”. Điểm đáng lưu ý trong dự thảo này đó là các trường ĐH-CĐ sẽ được quyền tuyển sinh riêng với nhiều hình thức khác nhau, có thể tuyển sinh riêng theo nhóm các khối ngành và dùng chung kết quả xét tuyển…

Như vậy, đây sẽ là bước đi đầu tiên đáp ứng đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học đã ban hành trước đó, đó chính là việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Các trường tuyển sinh riêng phải đảm bảo những yêu cầu nào, hình thức tuyển sinh ra sao…cùng những vấn đề liên quan sẽ được làm sáng tỏ qua phần trao đổi giữa PV Đài với GS.TS khoa học Bùi Văn Ga, Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT.


Các trường ĐH-CĐ sẽ được quyền tuyển sinh riêng với nhiều hình thức khác nhau (Ảnh: Kenhtuyensinh)

* Thưa ông, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Việc Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường thể hiện rõ nhất ở những điểm nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực từ tháng 1-2013, các trường được tự chủ tuyển sinh, tức là các trường được quyền chọn phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm hoàn toàn trong công tác tuyển sinh. Để các trường có thể thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế để các trường dựa vào đó thực hiện.


Quy chế lần này, Bộ nêu rõ các điều kiện cần thiết của một phương án tuyển sinh riêng, các yêu cầu cần đáp ứng…Trong vòng 3 năm tới, Bộ vẫn tổ chức kỳ thi ba chung để giúp các trường chưa có phương án tuyển sinh riêng hoặc chưa sẵn sàng tuyển sinh riêng, trường nào muốn tham gia kỳ thi chung của Bộ thì đăng ký. Tuyển sinh riêng là việc mà các trường cần thực hiện như một công đoạn của quá trình đào tạo.

* Đối với các trường có phương án tuyển sinh riêng, các trường phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chí nào của Bộ GD-ĐT đặt ra?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ có nêu ra yêu cầu của một phương án tuyển sinh riêng cần phải đạt được, chẳng hạn như tuyển sinh riêng thì không được tái diễn vấn đề luyện thi tràn lan như khi thực hiện thi ba chung; phải đảm bảo sự công bằng không gây phiền hà cho thí sinh; không làm phức tạp công tác tuyển sinh; phải công khai chịu sự giám sát của thí sinh và xã hội.

* Các trường được lựa chọn các hình thức tuyển sinh thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp cả hai hình thức này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các trường có thể chọn hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc cả thi và xét tuyển. Bởi vì mục tiêu của tuyển sinh riêng là giúp cho các trường chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp, chọn được những thí sinh có năng lực vào học những ngành đang đào tạo tại trường.


Phương án tuyển của các trường sẽ rất đa dạng bởi vì ngành nghề đa dạng, yêu cầu các trường cũng khác nhau. Nếu việc thi theo ba chung của các khối phù hợp thì cũng không cần tuyển sinh riêng, thêm một kỳ thi không cần thiết.

* Thí sinh khi tham dự kỳ thi do trường tự tổ chức thì họ có được dùng kết quả đó để tham gia xét tuyển vào các trường khác hay không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc thí sinh dự thi riêng ở trường nào chỉ có giá trị xét tuyển ở trường đó. Bộ cũng cho phép các trường cùng khối ngành liên kết với nhau để tổ chức thi riêng, kết quả được dùng để xét tuyển vào nhóm các trường đấy. Đối với từng trường, trường cũng có thể lựa chọn một số ngành cần đổi mới công tác tuyển sinh thì thi riêng, còn những ngành khác vẫn theo kỳ thi ba chung.

* Như vậy, ở kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014, sẽ có những trường tuyển sinh riêng và những trường vẫn tham gia kỳ thi ba chung. Hiện tại theo ghi nhận đã có 17 trường có phương án thi riêng trình Bộ trong thời gian qua, Bộ có đánh giá như thế nào về các phương án này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước khi Dự thảo này đưa ra, đã có 17 trường ĐH ngoài công lập đã trình phương án tuyển sinh riêng, các trường xây dựng phương án theo suy nghĩ của mình. Sắp tới các trường phải bổ sung thêm yêu cầu theo quy định mới. Khi quy chế này được ban hành, Bộ sẽ xem xét phương án nào phù hợp, đạt yêu cầu, Bộ sẽ xác nhận để các trường thực hiện tuyển sinh riêng.

* Một trong những khâu khó nhất đồng thời cũng là trở ngại của các trường đó là đề thi. Bộ có yêu cầu các trường ra đề thi như thế nào để hạn chế tiêu cực và đáp ứng được chuẩn đầu vào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong phương án cũng yêu cầu các trường đề xuất làm sao hạn chế không được tái diễn việc luyện thi bằng cách xây dựng ngân hàng đề thi phù hợp, đổi mới cách ra đề thi, phương thức kiểm tra kiến thức…Khi ra đề với những phương thức khác nhau như vậy, các trường phải chứng minh đội ngũ ra đề, kinh nghiệm thực hiện như: phỏng vấn, luận…đảm bảo sự công bằng. Đặc biệt, dù tuyển sinh theo phương án nào, trường cũng phải đề ra ngưỡng tối thiểu để tuyển thí sinh, phải có một giới hạn nhất định. Trường nào thống nhất đề xuất với Bộ phương án tuyển sinh ở mức ngưỡng nào, sau này Bộ sẽ làm căn cứ để kiểm tra việc xét tuyển đầu vào.

* Bộ có biện pháp kiểm soát như thế nào đối với các trường được tự tuyển sinh?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường cần phải nói rõ biện pháp giám sát trong suốt quá trình tuyển sinh. Thực hiện nghị định 115, không phải chỉ có Bộ GD-ĐT, tất cả Bộ, ngành chủ quản của các trường, địa phương nói trường đóng trụ sở cũng tham gia quá trình kiểm tra và giám sát. Khi đề án của trường nào được xác nhận là phù hợp thì các trường sẽ tiến hành ngay đề án đó, như vậy trong đề án đó đã nêu rõ việc tự kiểm tra giám sát như thế nào, phối hợp với các cơ quan chức năng ra sao…trước khi Bộ và các cơ quan khác kiểm tra.

* Xin cám ơn ông