Khẩn trương đổi mới giáo dục

(VOH) - Sáng ngày 23/1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Theo đó, chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, nền giáo dục được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện. Chiến lược đã đề ra 8 giải pháp, trong đó giải pháp đổi mới quản lý giáo dục là giải pháp đột phá và giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp then chốt.
 Để thực hiện đổi mới giáo dục đến nơi đến chốn phải xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên (ảnh minh họa: TPO)

Các đại biểu cho rằng chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được thực hiện với quyết tâm cao, có sự ủng hộ của toàn xã hội và sự sâu sát của Bộ GD- ĐT thì sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong giáo dục- đào tạo. Trong đó, vấn đề được hội nghị quan tâm nhất là xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên- yếu tố quan trọng để thực hiện đổi mới giáo dục đến nơi đến chốn.

Chiến lược đặt mục tiêu chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên. Muốn vậy, các đại biểu cho rằng phải đầu tư trọng điểm cho các trường sư phạm, có cơ chế trả lương và chính sách khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế- ĐHQG Hà Nội nêu ý kiến: “Ngành GD- ĐT cần rất nhiều nguồn nhân lực có chất lượng cao, và để hướng đến những ngành có vị trí chiến lược, đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta phải có những cơ chế thu hút đặc biệt với nhân lực trong ngành, thứ hai có chiến lược như vậy thì chúng ta mới tận dụng được mọi nguồn lực trong xã hội, bao gồm cả nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển ngành GD- ĐT theo đúng mục tiêu mà chiến lược phát triển giáo dục đã đặt ra”.



Ngoài ra, theo các đại biểu thì một yếu tố cần thực hiện sớm và bài bản để kịp tiến độ là đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo đó, đổi mới chương trình cần tham khảo chương trình tiên tiến của các nước nhưng không làm trái với truyền thống của dân tộc, không quá tải và phát triển được năng lực học sinh. Chương trình cần chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng- an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông.

Bên cạnh đó, một rào cản ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học chính là nguồn lực tài chính dành cho giáo dục. Các đại biểu đề nghị ngân sách cần được phân bổ phù hợp với tình hình giáo dục các địa phương chứ không bổ đồng, dàn trải. Ngoài ra, xã hội hoá giáo dục thông qua học phí trong thời gian dài đã quá lạc hậu so với yêu cầu hoạt động đào tạo. Do vậy mức tăng học phí cần được thực hiện dần theo lộ trình, phù hợp khả năng của người dân, song song đó phải kiểm định, đánh giá và công khai chất lượng của các trường để xã hội giám sát. TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông- Vận tải nêu ý kiến: “Do chính sách học phí còn nhiều bất cập, nguồn thu từ các hoạt động khác còn khá khiêm tốn, do vậy nguồn lực tài chính dành cho việc đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng đào tạo còn hạn chế. Kinh phí dành cho thực hành thí nghiệm và nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra”.


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhiệm vụ phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, điều then chốt hiện nay là tập trung hành động để thực hiện mục tiêu này, như vậy đòi hỏi sự quyết tâm cao nhất từ các cấp để giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, nhà nước và toàn dân: “Trước tiên, phải có được quyết tâm cấp tỉnh, quyết tâm cấp huyện và quyết tâm cấp xã và có kế hoạch triển khai ở ba cấp này. Bài học thứ hai nằm ở đồng bộ xây dựng cơ sở vật chất, giáo viên và chính sách cho người đi học. Cơ sở vật chất thì các tỉnh đều lên kế hoạch hết rồi, nên giáo viên không đồng bộ cũng khó khăn. Và thứ ba phải có kiểm tra thường xuyên, định kì và trao đổi kinh nghiệm”.