Không bắt buộc mặc đồng phục: Chậm còn hơn không

(VOH) - Mặc dù đã có Thông tư 26 về việc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh sinh viên, nhưng đầu năm học mới 2013 - 2014, Bộ GD và ĐT vẫn tiếp tục có những chỉ đạo sát sao tới các Sở GD và ĐT, nhà trường về vấn đề này. Theo đó, Bộ GD và ĐT yêu cầu Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 26; việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường.
Thông tư 26 được ban hành nhằm chấn chỉnh vấn đề đồng phục của học sinh, tránh gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội. Ảnh: internet

Thời gian qua, đồng phục lại là câu chuyện bức xúc của nhiều phụ huynh khi chuẩn bị cho con vào năm học mới. Vì vậy, khi Bộ GD-ĐT ra văn bản “chấn chỉnh” vấn đề đồng phục của học sinh, sinh viên trong năm học 2013 - 2014, tuy chậm nhưng đã được dư luận xã hội, đặc biệt là phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Đến hẹn lại lên, nhiều phụ huynh lại tất bật lo chuyện đồng phục cho con em học sinh. Thực tế là, phụ huynh đều được khuyến khích đóng tiền mua đồng phục học sinh tại trường, từ đồng phục đi học, đồng phục thể dục, tập vở, giày dép… Chưa kể ở các trường có tổ chức bán trú, học sinh phải chuẩn bị ít nhất 3 loại đồng phục: đồng phục trên lớp, quần áo thể dục và đồ ngủ. Đáng nói, giá bán đồng phục tại trường và tự may bên ngoài chênh lệch khá lớn, trong khi chất lượng vải tương đương và thậm chí là kém hơn. Tại một trường cấp 2 ở quận 9, nơi con anh Nguyễn Văn Long đang theo học, đồng phục của học sinh bán trú và không học bán trú cũng khác nhau mà theo lý giải của nhà trường là tiện cho việc quản lý: "Chẳng hạn như bán trú có đồng phục xanh riêng, học sinh không bán trú có cha mẹ đưa đón có đồng phục riêng. Có những trường cũng hơi quá đáng mà nhiều cha mẹ học sinh phản ánh như đồng phục phải màu theo đúng logo mà nhà trường đưa ra. Hai nữa là cặp đeo, cặp sách, giày dép phải màu đen chứ không được màu khác gây khó khăn cho nhiều phụ huynh”.

Không loại trừ do chiết khấu hoa hồng cao từ nhà phân phối mà đôi khi vì lợi nhuận này, có một số trường đưa ra nhiều quy định về đồng phục buộc phụ huynh phải mua tại trường như: chi tiết rườm rà, chất liệu vải khó tìm bên ngoài… gây khó cho phụ huynh. Chưa dừng lại quy định ở cặp sách cũng phải đồng bộ, nhiều trường năm nay còn yêu cầu học sinh mang giày bata trắng đến trường. Đáng nói trong những ngày thời tiết mưa nhiều hơn nắng này, nhiều gia đình phải chuẩn bị 2 đôi giày trở lên đề phòng bị ướt, có nhiều học sinh còn sáng kiến bỏ giày vào túi, đến trường mới mang giày vào. Một phụ huynh học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Tân Bình bức xúc: "Khối lớp 10 đầu cấp vô trường đồng phục màu xanh lá cây, năm ngoái thì màu xanh dương, lên lớp 12 thì mặc áo trắng, quần không thay đổi. Còn giày bata bắt buộc giày bata màu trắng, không có chi tiết màu mè gì trên đôi giày trắng cả. Đầu giờ đi học trời mưa, đến trường là giày ướt, đến trường nếu không mang giày sẽ bị giám thị la. Nếu bị ướt cũng phải mang giày ướt, nếu không bắt lột giày ra để lại phòng giám thị đi chân không lên lớp”.

Trước những áp lực đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên trong năm học này được thực hiện đúng mục đích, giảm bớt khó khăn cho gia đình học sinh. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường. Ngoài ra, tuyệt đối không tự ý thay đổi mẫu đồng phục. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường, quy định học sinh chỉ mặc đồng phục 1 buổi/tuần. Anh Nguyễn Văn Dũng, phụ huynh học sinh quận Tân Phú ủng hộ chủ trương này và đề xuất: “Điều đó cũng tốt thôi. Tại vì nhiều khi trời mưa, các em lớn mặc áo dài đi trời mưa sẽ rất dơ, mấy bé cũng vậy nên tốt nhất nên mặc vào đầu tuần chào cờ. Thứ hai nên để cho các cháu mặc đồng phục chào cờ là tốt nhất, chớ không nên bắt buộc cả tuần lễ phải mặc đồng phục”.

 Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 cũng khẳng định, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục đầu năm học: “Đồng phục học sinh là áo trắng, quần váy xanh của nữ, phụ huynh có thể mua ở ngoài cũng có. Còn nam thì quần dài xanh áo trắng, phụ huynh không mua ở trường có thể mua ở ngoài. Nhà trường không gắn logo, chỉ có phù hiệu ghi tên trường, tên lớp. Trường chọn mẫu đơn giản để phụ huynh không mua ở trường thì tự may hoặc mua bên ngoài đều được”.

Đề cập đến quy định về đồng phục, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, vào đầu năm học 2013 - 2014, Sở GD - ĐT TP đã có hướng dẫn cụ thể đến các trường về đồng phục cũng như quần áo thể dục, giày dép…Những đơn vị thực hiện không đúng, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở: "Về đồng phục, theo chỉ đạo là không gây khó khăn cho học sinh, mà phải bàn bạc với phụ huynh học sinh để thống nhất làm, nhưng không đổi mẫu đồng phục, tránh trường hợp thay đổi, bởi không phù hợp với tình hình hiện nay và đời sống người dân nói chung”.

Hy vọng với những quy định mới và kịp thời từ Bộ GD-ĐT, cộng với Thông tư 26 về việc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên đã ban hành năm 2009, các trường sẽ chấn chỉnh vấn đề đồng phục của học sinh, tránh gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu.