Phương án 2 điểm sàn trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2013: Nhằm đảm bảo nguồn tuyển sinh cho các trường

(VOH) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án hai điểm sàn dự kiến sẽ áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013, đã có nhiều ý kiến băn khoăn lẫn không đồng tình về phương án này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (ẢnhTNO)

Nhiều trường còn cho rằng, phương án điểm sàn trên (tính theo cách tính như năm ngoái) và điểm sàn dưới (là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của tất cả các thí sinh) thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn trúng tuyển. Xung quanh những ý kiến này, phóng viên Đài có cuộc trao đổi nhanh với Giáo sư Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

* Thưa ông, trong khi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 đang đến gần thì Bộ GD-ĐT lại đưa ra phương án dự kiến sẽ có hai điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Quyết định trên có ý nghĩa như thế nào trong kỳ thi tuyển sinh năm nay?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nhìn nhận thực tế điểm sàn trong năm 2012 được tính toán trên chất lượng đầu vào, chỉ tiêu với tính sát sao, có hệ số dư dôi nhất định để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Nhưng trên thực tế do mình không đoán được chính xác về khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia, cho nên mặc dù số thí sinh trên điểm sàn khá lớn thế nhưng các trường ở địa phương, trường ngoài công lập mới thành lập… không tuyển đủ chỉ tiêu. Vì vậy, việc xác định điểm sàn lần này làm sao vẫn đảm bảo được chất lượng, mặt khác đảm bảo nguồn tuyển cho các trường, đặc biệt là trường địa phương, trường ngoài công lập.

* Nhiều trường đặt ngược lại vấn đề là liệu với phương án điểm sàn trên và điểm sàn dưới có mâu thuẫn với quan điểm tập trung nâng cao chất lượng mà Bộ GD-ĐT đã đề ra hay không?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hoàn toàn không có việc buông lỏng chất lượng ở đây. Bởi vì chất lượng vẫn là yếu tố đầu tiên, Bộ cũng đã tính toán ở hai đợt xét tuyển đầu tiên vẫn lấy ưu tiên cho thí sinh trên điểm sàn thứ nhất. Kết quả của những năm qua cho thấy với điểm sàn thứ nhất này chiếm trên 90% thí sinh trúng tuyển. Như vậy chỉ còn khoảng 10% chưa đủ chỉ tiêu các trường mới xét đến mức điểm sàn thứ hai, kết hợp với kết quả thi phổ thông của thí sinh, đề phòng trong trường hợp những em học giỏi phổ thông nhưng do không may mắn nên làm bài không tốt. Giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới, theo tính toán năm ngoái thì có khoảng 200.000 thí sinh đạt điểm sàn này. Nhưng chỉ tiêu đại học còn lại chỉ khoảng 30.000 nên các trường sẽ xét chọn rất kỹ càng thí sinh vào học trường mình.  

* Như vậy có thể nói có hai điểm sàn là một cách để “giải cứu” các trường ngoài công lập hay không?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thật ra không phải là cách để “cứu” nhưng mà lâu nay Bộ cũng phân vân cách xác định điểm sàn sao cho hợp lý. Bởi vì điểm sàn phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Ví dụ năm nào khối A cũng lấy 13 điểm, rủi có năm đề thi tương đối khó thì sẽ không đủ chỉ tiêu. Vì vậy Bộ muốn xác định điểm sàn làm sao cho tương đối và phụ thuộc vào chất lượng cũng như độ khó dễ của đề thi. Mức điểm sàn thứ hai xác định theo dự kiến là tổng điểm trung bình của 3 môn của tất cả thí sinh. Sau khi thi xong, dựa vào kết quả phổ điểm để tính điểm trung bình này được xem như là điểm mà thí sinh có thể tham gia học ĐH-CĐ được. Theo thống kê năm qua, điểm sàn trên chênh 2 điểm so với điểm sàn dưới. 

* Đây sẽ là một tín hiệu mừng cho các trường ngoài công lập để giải quyết vấn đề khó khăn trong tuyển sinh, thế nhưng các trường trung cấp lại bày tỏ lo lắng về việc cạn nguồn tuyển, ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cái này chỉ xử lý 10%, chưa tới 10% thí sinh trúng tuyển vào ĐH-CĐ. Mỗi năm dự kiến có 550.000 thí sinh trúng tuyển ĐH-CĐ. Việc này chỉ lấp đầy chỉ tiêu của ĐH-CĐ chứ không lấy đi chỉ tiêu của trung cấp chuyên nghiệp hay nghề. Cho nên việc mở rộng nguồn tuyển này về chỉ tiêu Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ theo Thông tư 57.

* Phương án điểm sàn trên dự kiến sẽ áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013. Còn những năm tới sẽ như thế nào?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tôi khẳng định đây mới chỉ là phương án đưa ra để tham khảo ý kiến rộng rãi, trên cơ sở ý kiến đóng góp của diễn đàn điểm sàn, hội nghị tuyển sinh cũng như là ý kiến đề xuất của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập. Nếu được dư luận ủng hộ có thể áp dụng trong năm nay và những năm tiếp theo cho đến năm 2015. Nếu có áp dụng đi nữa thì đây cũng là phương án tạm thời xử lý các vấn đề kỹ thuật. Về lâu dài, Bộ đang nghiên cứu những phương án tuyển sinh có tính chất dài hạn hơn, song song với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học ở phổ thông để làm sao nhẹ nhàng nhất.

* Xin cám ơn ông.