TPHCM: Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trong năm học 2013-2014

(VOH) - Sáng 31/8, HĐND TPHCM phối hợp với Đài TNND TP thực hiện chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố (ĐTCCQTP) với chủ đề “Năm học 2013-2014 và những áp lực của ngành giáo dục TP”.
Trong nhiều năm qua TP tập trung đầu tư để rút ngắn dần khoảng cách giữa các trường về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên, cán bộ quản lý, chất lượng giáo dục, hạn chế tiêu cực.

Làm sao giải quyết áp lực trường lớp, thiếu giáo viên, xoá bỏ tiêu cực lạm thu, dạy thêm học thêm, vấn đề thu chi đầu năm trong bối cảnh học phí điều chỉnh tăng thêm…là những vấn đề nóng cử tri đặt ra với các vị khách mời của chương trình là ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP, bà Phạm Thuý Hà, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Q.4.


Một vấn đề không mới nhưng cứ đến hẹn lại lên, đó chính là cứ mỗi vào đầu năm học lại rộ lên chuyện các cô, thầy gợi ý trò học thêm dưới nhiều hình thức. Anh Quang, phụ huynh học sinh (PHHS) Q.Gò Vấp bức xúc: “Tôi thấy học sinh đã học bán trú mà giáo viên còn gợi ý học thêm, đáng lẽ nên dành thời gian để học sinh, học nhạc, ngoại ngữ, hội hoa…”.

Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Đối với học sinh tiểu học, thông tư 17 của Bộ quy định không được dạy thêm, phụ huynh có thể liên hệ với phòng giáo dục để được giải quyết thoả đáng”.


Các khoản thu chi đầu năm học mới luôn là một trong những chủ đề nóng được phụ huynh quan tâm nhất. Các khoản thu thêm ngoài học phí đang gây không ít băn khoăn cho phụ huynh trong năm học này. Anh Hiệp, PHHS trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Q.4 băn khoăn: “Sĩ số của lớp là 32 học sinh mà tháng nào cũng phải đóng tiền bảo trì máy lạnh, chẳng lẽ tháng nào máy lạnh cũng phải bảo trì”.

Trả lời thắc mắc của phụ huynh, bà Phạm Thuý Hà, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Q.4 cho biết: “Phí mà phụ huynh đóng góp không chỉ là phí bảo trì, phòng tăng cường tiếng Anh có gắn thêm máy lạnh nhà trường không thể bao cấp hết được nên phụ huynh có hỗ trợ thêm tiền điện, bảo trì máy lạnh thì 3-6 tháng/lần”


Cũng phản hồi bức xúc của PHHS huyện Hóc Môn và PHHS Q.Tân Bình vể những khoản thu đồng phục, tài liệu học tập không hợp lý, Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Chúng tôi đã có quy định nhà trường không được thay đổi đồng phục hàng năm hoặc thêm bớt các chi tiết gây khó khăn cho phụ huynh, nếu có thay đổi thì phải được đồng thuận của phụ huynh, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Về tăng cường tiếng Anh sẽ bắt đầu từ học kì 2 của năm học mới, tài liệu học tập sẽ được các trường lựa chọn tốt nhất cho học sinh. Chúng tôi sẽ kiểm tra việc thực hiện ở các trường”.


Trong bối cảnh học phí năm nay tăng ảnh hưởng ít nhiều đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trao đổi với thính giả về mức học phí và các khoản thu thoả thuận năm học này, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết: “Hiện nay Sở giáo dục và Sở tài chính đang phối hợp ra hướng dẫn về thu chi, với cấp tiểu học không thu, các cấp học khác thu theo mức cụ thể, các khoản khác sẽ được thu theo hàng tháng để giảm áp lực cho phụ huynh”.

Bên cạnh vấn đề thu chi, năm nay, thành phố vẫn nóng về áp lực trường lớp, thiếu giáo viên. Số học sinh mầm non và tiểu học tăng gần 40.000 em. Mặc dù TP đưa vào sử dụng hơn 1.300 phòng học mới, tuyển mới hơn 2.000 giáo viên nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu gia tăng chỗ học. Chị Nương, PHHS Q.Tân Bình cho biết: “Hầu hết các trường mầm non ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu trước, nên diện KT3 phải gửi con cho trường tư trong khi mức thu nhập cũng lúc này lúc khác, khó khăn cho gia đình và những người đồng cảnh ngộ”.


Về biện pháp để đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp trong năm học này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Năm học 2013-2014 tăng học sinh đột biến, quan điểm của lãnh đạo thành phố vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho mọi người dân trên địa bàn thành phố, chúng tôi vẫn nhận tất cả học sinh nhưng vấn đề là sĩ số học sinh ở những quận ven còn cao, khó khăn nữa là số lớp bán trú hạn chế hơn”.

Trả lời thắc mắc của thính về vấn đề TP còn thiếu 300 giáo viên mầm non và 500 giáo viên tiểu học so với định mức, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP nêu giải pháp: “Cho đến giờ phút này thì các trường học vẫn đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp như định mức là 1,25 GV/lớp thì có trường đạt 1,1-1,2 GV/lớp nhưng thành phố cũng rất linh động cho phép tuyển giáo viên đợt 2, 3 nếu như đảm bảo đủ tiêu chuẩn GV đứng lớp các bậc học”.

Như những gì mà các vị khách mời vừa thông tin có thể thấy trong nhiều năm qua TP tập trung đầu tư để rút ngắn dần khoảng cách giữa các trường về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên, cán bộ quản lý, chất lượng giáo dục, hạn chế tiêu cực. Ngoài ra, trong bối cảnh mức học phí điều chỉnh tăng, ngành giáo dục thành phố sẽ thực hiện chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí, chi phí học tập tại các quận huyện và giãn thời gian thu các khoản ngoài học phí thay vì thu gộp như mọi năm để giảm áp lực thu chi cho phụ huynh.