Tùy hoàn cảnh mà chọn phương pháp dạy con

(VOH) - Bố mẹ nào cũng hết mực yêu thương con cái, đó là điều tất nhiên, nhưng không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, cũng được thường xuyên cập nhật kiến thức về chăm sóc và nuôi dạy con đúng phương pháp.

Mong muốn con ngoan ngoãn, nhiều bậc phụ huynh dùng biện pháp mạnh nhưng kết quả lại đi ngược lại kỳ vọng. Ảnh: Mẹ yêu bé

Nghiêm khắc với trẻ có tật đánh ai đó khi không vừa ý

* Bé 21 tháng tuổi, bé chưa nói được nhiều, chỉ nói được vài từ đơn giản, thể chất của bé phát triển bình thường. Bé rất hiếu động. Chị cố gắng dạy bé bằng những câu chuyện, lời nói nhưng bé không chịu ngồi yên tập trung mà chạy lung tung. Khoảng 1 tháng nay, bé có biểu hiện hay đánh ông bà khi không vừa ý. Chị đã phạt bé bằng roi, bắt bé xin lỗi ông bà nhưng phải rất lâu bé mới thực hiện. Làm cách nào để giúp bé vào khuôn phép, lễ độ với mọi người, biết nghe lời và ngoan ngoãn.

Trẻ vào tuổi này rất hiếu động và không tập trung được như trẻ lớn, cha mẹ cần phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn, dạy trẻ từng bước một, tránh dạy nhiều thứ cùng một lúc vì trẻ không thể hiểu được hết và dẫn đến tình trạng trẻ không hứng thú với những gì được chỉ bảo. Ở tuổi này, trẻ thường bắt chước theo người lớn, vì vậy, cha mẹ có thể làm mẫu và khuyến khích con làm theo từng việc một (ví dụ như chào người lớn khi có khách đến thăm nhà). Việc dạy trẻ bằng những câu chuyện là tốt, nhưng tránh dạy bằng các câu chuyện dài vì trẻ sẽ không hiểu hết và không hứng thú nên chạy lung tung.

Khi gặp trường hợp này, cha mẹ phải nghiêm và nói rằng con làm như vậy là không tốt và mẹ sẽ không thương con đâu. Cần tránh đánh đòn trẻ vì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện đánh ông bà, người thân trong gia đình. Ông bà, người thân cũng cần tỏ thái độ nghiêm khắc, không hài lòng với trẻ, nếu lúc đó chúng ta cười thì trẻ có thể hiểu là mọi người đang chơi đùa với trẻ và trẻ sẽ làm như vậy nhiều hơn. 

Dạy trẻ bị chậm phát triển phải thật kiên nhẫn. Ảnh minh họa: internet

Nhìn nhận đúng khi trẻ chậm phát triển não

* Bé 12 tuổi, bị béo phì. Bé được chẩn đoán là chậm phát triển não. Hiện mẹ rất lúng túng trong việc sinh hoạt cũng như học hành của bé vì bé không thể ghi nhớ hay nhận thức như các bé cùng trang lứa, bệnh chậm phát triển não có thể trị được không? Đến lúc bé phát triển về cơ thể thì bệnh có thuyên giảm?

Bé bị chẩn đoán là chậm phát triển não có nghĩa là não của bé có vấn đề về thực thể, ví dụ như não của các bé đồng trang lứa sẽ lớn hơn của bé hoặc có phân khu nào đó của não bé không phát triển hoặc phát triển rất ít. Do đó, bé không thể học, suy nghĩ, ghi nhớ, ứng xử như các bạn bình thường, bé cần được điều trị và dạy riêng. Đối với bé này, chúng ta chỉ có thể dạy cho bé những kỹ năng cần thiết để bé sinh hoạt hàng ngày, chú ý dạy chậm và chọn những kỹ năng đơn giản.

Thông thường, não bộ của trẻ hoàn chỉnh từ lúc 6 tuổi, ở đây, bé đã 12 tuổi thì chắc không còn khả năng phát triển. Vì vậy, việc dạy bé hiện tại cũng là cách để chúng ta tập luyện cho bé sử dụng não được tối đa.

Vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, thông thường, bé chỉ phát triển về thể chất như cơ, xương và các bộ phận trong cơ thể, còn não thì đã hoàn thiện từ lúc 6 tuổi nên không thể phát triển thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này sẽ có sự gia tăng về nội tiết tố, dù nội tiết tố này không làm cho não của bé phát triển hơn nhưng có thể kích thích giúp não hoạt động mạnh hơn, giúp chúng ta dạy dỗ bé trong giai đoạn này sẽ đỡ hơn, tuy nhiên cha mẹ phải thật kiên nhẫn để dạy dỗ cho bé.

Cha mẹ cần can đảm đối diện và ứng xử với bé đúng sự thật, đúng hoàn cảnh của bé để bé phát triển đúng theo khả năng. Không nên để bé gánh chịu một áp lực tâm lý lớn hơn khả năng thì nguy cơ sức khỏe tâm thần của bé sẽ cao hơn, điều này hoàn toàn không nên. Mẹ nên trao đổi thẳng thắn với nhà trường, thầy cô về tình hình của bé, không nên vì chạy theo thành tích của trường, của lớp mà đè lên vai bé, làm bé có tâm lý trách nhiệm, mặc cảm, sợ hãi... chính điều này càng làm cho tâm lý bé rối loạn nặng nề hơn, dẫn đến việc ghi nhớ, khả năng học hỏi kém đi. Tóm lại, điều cần thiết lúc này là cha mẹ cho bé học chậm lại 1, 2 năm theo đúng sự phát triển trí não của bé.

Ngoài ra, mẹ cũng cần thường xuyên dẫn bé đi khám và điều trị tâm lý để bé tránh bị mặc cảm do béo phì, vì việc béo phì của bé ngoài do ăn uống thông thường, cũng có khả năng là do ảnh hưởng của nội tiết tố nào đó trong cơ thể do bất thường trong não gây ra./. 

Tư vấn: Bác sĩ - Thạc sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) 

Các bạn có thể tham gia giao lưu trực tiếp với các các chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ trên sóng FM 99.9 MHz vào tối thứ Sáu hàng tuần, từ 20 giờ 5 phút đến 21 giờ. Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 39.10.48.66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Thủ Đức House thực hiện.