8 tác dụng của collagen với sức khỏe, làn da và bổ sung an toàn

(VOH) – Collagen từ lâu đã được xem như một dưỡng chất làm đẹp, ‘chống già’ mà chị em phụ nữ rất tin dùng. Thế nhưng không chỉ có vậy, tác dụng của collagen còn giúp cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe.

Bên cạnh các nhóm vitamin hay khoáng chất, collagen cũng thuộc nhóm những dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần được đáp ứng đầy đủ. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về đặc tính, những công dụng quý giá cùng phương pháp bổ sung collgen thật khoa học.

1. Collagen là gì?

Collagen là một dưỡng chất “hiếm hoi” mà cơ thể hoàn toàn có thể tự sản sinh. Song đáng chú ý rằng khi tuổi tác ngày càng tăng thì lượng collagen từ quá trình tự tổng hợp này sẽ suy giảm 1%.

Collagen – cách gọi bắt nguồn từ “kolla” trong ngôn ngữ Hy Lạp mang ý nghĩa là chất kết dính. Tên gọi này ra đời bởi các nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng collagen hoạt động như một loại protein trong cơ thể (thậm chí chiếm tới 30% tổng lượng protein), đảm nhiệm vai trò gắn kết mô tế bào ở rất nhiều cơ quan.

8-tac-dung-cua-collagen-voi-suc-khoe-lan-da-va-bo-sung-an-toan-voh-0
Collagen là một loại protein đặc biệt, có tính kết dính, tồn tại ở rất nhiều bộ phận của cơ thể (Nguồn: Internet)

Theo phân tích, có hơn 16 dạng collagen khác nhau, tuy nhiên phần lớn có 4 dạng cơ bản trong cơ thể con người:

  • Loại I: Đây là dạng collagen được tìm thấy nhiều nhất (khoảng 90%), gồm nhiều sợi axit amin liên kết chặt chẽ, tham gia hình thành cấu trúc cho da, xương, gân, dây chằng và răng.  
  • Loại II: Kết nối sợi axit amin trong loại collagen này “lỏng lẻo” hơn, giống như một “chất bôi trơn”, chủ yếu có mặt ở sụn, đệm khớp và mắt.
  • Loại III: Loại collagen này tham gia cấu tạo cũng như ngăn chặn tổn thương mạch máu và các cơ quan nội tạng.
  • Loại IV: Collagen loại IV cũng xuất hiện ở lớp da của bạn.

2. Tác dụng của collagen với sức khỏe

Nhờ sự “góp mặt” đầy đủ của collagen mà các vấn đề sức khỏe sau sẽ được cải thiện hữu hiệu:

2.1 Duy trì hệ vận động dẻo dai

Bên cạnh canxi cùng các khoáng chất như magie hay photpho,…collagen cũng được đánh giá là một thành tố cực kì quan trọng, chiếm tới 80% trong cấu trúc xương và hơn 50% trong cấu trúc sụn. Chính vì lý do đó, dưỡng chất này có khả năng tăng kết nối các khớp xương, thúc đẩy tái tạo tế bào xương mới, đồng thời làm giảm tình trạng khô cứng gây ra gãy và loãng xương. (1)

Xem thêm2 bài tập thể dục mà người bị loãng xương nên tập luyện hàng ngày

2.2 Cải thiện hệ tuần hoàn  

Quá trình tổng hợp collagen diễn ra ổn định góp phần không nhỏ làm dày và tăng độ bền của thành mạch máu, hạn chế tối đa các tổn thương đứt hay vỡ mạch máu. Nhờ đó mà quá trình lưu chuyển máu tới các tế bào trong cơ thể được thông suốt, duy trì hoạt động của hệ tuần hoàn cũng như phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến tim mạch. (2)

2.3 Tốt cho đôi mắt

Collagen tồn tại nhiều trong giác mạc và thủy tinh thể của mắt dưới dạng kết tinh. Vì vậy, thiếu collagen khiến giác mạc hoạt động không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến thị lực của mắt và làm cho thủy tinh thể mờ đi, đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể mắt. (3)

Xem thêm: Sự thật về đục thủy tinh thể? Các dấu hiệu và cách điều trị bệnh tốt nhất

2.4 Bảo vệ móng chân và tay

Một vài nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm chứng về tác động của collagen tới quá trình phát triển của móng tay và móng chân. Theo đó, collagen sẽ kích thích sản sinh chất sừng cần thiết cho việc tái tạo móng, đồng thời cũng giúp bảo vệ móng không bị gãy. (4)

8-tac-dung-cua-collagen-voi-suc-khoe-lan-da-va-bo-sung-an-toan-voh-1
Collagen giúp kích thích mọc móng tay và móng chân, giảm tình trạng gãy, nứt (Nguồn: Internet) 

2.5 Làm lành vết thương

Sự hiện diện của collagen chính là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ khôi phục lại tính toàn vẹn của bề mặt da, tăng tái tạo, kết nối chặt chẽ các tế bào ở lớp biểu bì, giúp vết thương, vết trầy xước chóng lành và làm mờ sẹo. (5) 

Xem thêm: Da bị trầy xước nên làm gì? – Chủ quan hoặc xử lý sai cách dễ làm vết thương nhiễm trùng

2.6 Củng cố răng chắc khỏe

Có thể bạn chưa biết, collagen cũng tham gia cấu thành nên nướu và răng của chúng ta. Hoạt chất này sẽ sản sinh men răng, duy trì kết nối vững chãi giữa răng và nướu, hạn chế mắc các bệnh về răng miệng như viêm nha chu. (6)

3. Tác dụng collagen trong làm đẹp

Collagen dường như đã trở thành “người đồng hành” không thể thiếu trong các liệu trình làm đẹp của phái nữ bởi dưỡng chất này cần thiết cho cả làn da và mái tóc.

3.1 Tác dụng của collagen với da

Collagen chiếm khoảng 70% cấu trúc da và được phân bổ chủ yếu ở lớp hạ bì của da. Collagen được xem như “mắt xích” kết nối các tế bào, kích thích quá trình trao đổi chất, tăng độ đàn hồi của da, từ đó xóa mờ các nếp nhăn và làm chậm tiến trình lão hóa da.

Ngoài ra, collagen còn thúc đẩy sự biệt hóa tế bào sừng trên bề mặt da, giảm tỉ lệ thất thoát nước, nhằm cải thiện độ ẩm của làn da. Chính vì thế, khi có sự suy giảm về chất lượng và số lượng collagen, sự “xuống cấp” của làn da là dấu hiệu dễ nhận biết nhất. (7)

Xem thêm: Thói quen chăm sóc da cần có để chống lại 'dấu vết thời gian'

3.2 Tác dụng của collagen với tóc

Collagen cung cấp cho tóc sợi axit amin proline – thành phần chủ yếu hình thành tế bào sừng thúc đẩy mọc tóc và nuôi dưỡng sợi tóc chắc khỏe. Bên cạnh đó, collagen cũng chính là chất chống oxy hóa tự nhiên mà cơ thể tạo ra để bảo vệ mái tóc khỏi những tổn thương gãy rụng, bạc màu hay xơ rối, chẻ ngọn. (8)

8-tac-dung-cua-collagen-voi-suc-khoe-lan-da-va-bo-sung-an-toan-voh-2
Collagen chính là thành tố cực kì quan trọng giúp kích thích sản sinh tế bào sừng, giúp nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe, hạn chế tình trạng gãy rụng, xơ rối (Nguồn: Internet)

4. Phương pháp bổ sung collagen

Như đã chia sẻ cơ chế sản xuất collagen nội sinh của cơ thể không diễn ra mãi mãi và sẽ giảm “năng suất” theo thời gian, nhất là từ sau 25 tuổi trở đi. Đó chính là lý do vì sao các chuyên gia luôn khuyến khích chúng ta chủ động thực hiện các phương pháp bổ sung cũng như kích thích tăng sinh collagen sớm thay vì đợi tới giai đoạn cơ thể đã “cạn kiệt” nguồn collagen.

Theo đó, bạn có thể tham khảo thực hiện theo một số cách đơn giản dưới đây:

  • Sử dụng các sản phẩm như kem bôi, thuốc uống bổ sung collagen
  • Tăng cường ăn thêm các phẩm giàu collagen
  • Sinh hoạt lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ và không sử dụng nhiều đồ ngọt hay các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá

Xem thêm: Trẻ hóa da, ngừa lão hóa nhờ 7 cách tăng sinh collagen tự nhiên

5. Gợi ý một số thực phẩm giàu collagen

Có thể bạn nghĩ rằng dưỡng chất quý giá như collagen chỉ được tìm thấy ở những nguồn nguyên liệu đắt đỏ và “sang chảnh”, tuy nhiên hoàn toàn không phải vậy. Theo phân tích dinh dưỡng, collagen có mặt ở rất nhiều nhóm thực phẩm vốn quen thuộc, dễ tìm kiếm để thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày, kể đến như loại thực phẩm giàu vitamin C, các loại đậu, hải sản, trứng gà hay mật ong.

Vì thế bổ sung collagen thông qua việc bồi bổ thêm những nhóm thực phẩm collagen là phương pháp tiết kiệm và an toàn mà bạn không nên bỏ qua đâu đấy.

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ ngay 14 thực phẩm giàu collagen ‘bậc nhất’ này để giữ mãi nét thanh xuân

6. Hướng dẫn uống collagen đúng cách

8-tac-dung-cua-collagen-voi-suc-khoe-lan-da-va-bo-sung-an-toan-voh-3
Sử dụng các chế phẩm collagen như collagen viên, collagen bột hay collagen nước cũng là phương pháp giúp bạn bổ sung lượng collagen thiếu hụt cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Cùng với việc duy trì bổ sung đều đặn, khoa học các thực phẩm giàu collagen trong thực đơn mỗi ngày, bạn cũng có thể tiếp nạp collagen bằng cách uống một số chế phẩm như collagen dạng viên, collagen dạng bột hoặc collagen dạng nước.

Song lưu ý rằng, dù các loại collagen này đều được điều chế từ nguồn collagen tự nhiên nhưng bạn cần sử dụng đúng liều lượng, không nên quá lạm dụng để tránh gặp phải những rủi ro sức khỏe. Lời khuyên là nên chỉ sử dụng tối đa 5 - 10g collagen/ngày trong liệu trình kéo từ 2 - 3 tháng, rồi tạm nghỉ thay vì sử dụng liên tục trong thời gian dài. 

Đặc biệt, nếu đang trong thời kì mang thai hoặc có tiền sử dị ứng, hãy liên hệ và tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi uống bất cứ loại collagen nào. 

Xem thêm: Chăm uống collagen nhưng bạn hãy nhớ áp dụng những lưu ý này để khỏe mạnh và có làn da ‘trẻ mãi không già’

Có thể thấy rằng collagen không chỉ dành riêng cho phái đẹp, giúp chị em “níu giữ” tuổi thanh xuân mà bất cứ ai cũng đều cần duy trì đủ lượng dưỡng chất này cho cơ thể, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe tổng thể. Hy vọng rằng bạn sẽ dành thời gian quan tâm, lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn, chủ động bổ sung collagen đúng liều lượng để luôn vui khỏe và gìn giữ được nét tươi trẻ nhé.